Mặc dù chưa có các mô hình hoàn chỉnh nhưng theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, Lâm Đồng hiện đã có 15 doanh nghiệp và trang trại phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm), Công ty TNHH Long Đỉnh, Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH Trang trại LangBiang, Công ty Cổ phần Sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, Trang trại Định Farm, Trang trại Vương Đình Phi, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thủy canh Việt (Vietponics)…
Hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh ở Lâm Đồng đều sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất, công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm và sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống; các thiết bị được kết nối internet...
Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Vietponics, cho biết: Từ năm 2014, anh cùng một số cộng sự đã tự lập trình, viết phần mềm, xây dựng dữ liệu big data, xây nhà kính, hệ thống trồng rau thủy canh, đặt bộ điều khiển kết nối với smartphone và máy tính qua internet để tạo dựng mô hình nông nghiệp thông minh. Tham quan khu vườn của hợp tác xã tại phường 5, TP Đà Lạt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự hiện đại của khu vườn. Trong nhà kính rộng hàng nghìn mét vuông, những ống thủy canh trồng dâu tây công nghệ cao cùng những vạt cà chua beef xanh mướt, trĩu quả được bố trí khoa học. Toàn bộ khu vườn đều được vận hành tự động thông qua hệ thống điều khiển đã lập trình sẵn. Căn cứ vào chu kỳ sinh trưởng, tình hình thời tiết mà hệ thống điều khiển sẽ tự đưa những giải pháp chăm sóc và bảo vệ tối ưu cho các loại cây trồng, hệ thống kết nối internet giúp chủ nhân kiểm soát 24/24 giờ đối với trang trại. “Mô hình này giúp chúng tôi giảm 80% nhân công so với phương pháp canh tác thông thường, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha/năm”, anh Nguyễn Đức Huy khẳng định.
Đại diện Cầu Đất Farm cũng cho biết, đơn vị này bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ 2 năm trước bằng mô hình nông nghiệp thông minh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7ha tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Theo đó, mỗi ha của nhà vườn được đầu tư hệ thống thiết bị trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng. Cầu Đất Farm hiện là doanh nghiệp sở hữu nông trại với các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Các tập thể, cá nhân khởi nghiệp nông nghiệp thông minh được hưởng mức hỗ trợ mỗi dự án là 50% cho dịch vụ tư vấn đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…, hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ khi các tổ chức tín dụng hoàn thành thủ tục vay); hỗ trợ vay vốn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ phát triển KHCN, quỹ khuyến công… Với phương châm “đi ngay, đi nhanh và đi đúng”, Lâm Đồng hy vọng sẽ có nhiều trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp 4.0 vào năm 2019.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG /ictnews.vn