Hà Tĩnh: Chủ động chặn dịch

Hà Tĩnh: Chủ động chặn dịch
Phòng dịch từ xa, tuyên truyền để người dân không dấu dịch, tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật… là các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mà Hà Tĩnh đang ráo riết thực hiện.
tr13.jpg

Đồng chí Lê Đình Sơn (người mặc áo trắng đứng giữa), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng dịch tả lợn châu Phi.

Giá lợn giảm 

Đã 11 giờ trưa, nhưng quầy thịt của tiểu thương Nguyễn Thị Hà (chợ Vườm Ươm, TP Hà Tĩnh) vẫn đầy hàng. Chị Hà chia sẻ: “Từ khi xuất hiện thông tin có dịch tả lợn châu Phi, sức tiêu thụ giảm hẳn. Trước đó, ngày bán được 50-60kg thịt lợn nhưng bây giờ nhiều lắm cũng chỉ bán được 20-30kg, có hôm ế không bán được cân nào. Mặc dù Hà Tĩnh chưa bị dịch và DTLCP không gây bệnh trên người nhưng với tâm lý e ngại của người tiêu dùng, người này truyền tai người kia, vô hình chung người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn”.

Không chỉ các chợ ở TP Hà Tĩnh mà thị trường lợn thịt các địa phương khác ở Hà Tĩnh đang có xu hướng chững lại. Theo thống kê sơ bộ, so với trước, số lợn giết mổ và bán trên thị trường Hà Tĩnh giảm khoảng 40 - 50% do tâm lý của người dân sau khi có thông tin về DTLCP.

Thị trường ế ẩm, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn đành phải hạn chế số lượng hàng nhập về. Cũng vì thế mà các lò giết mổ trên địa bàn những ngày này giảm công suất so với trước. Tại lò giết mổ tập trung TP. Hà Tĩnh, mỗi ngày giết mổ khoảng 25 con lợn thịt, bằng khoảng 1/3 so với trước khi có thông tin DTLCP.

Công ty CP chăn nuôi Mitraco – Công ty chiếm thị phần chăn nuôi lớn nhất ở Hà Tĩnh cũng đang điêu đứng. Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, phụ trách Công ty cho biết, thời gian qua công tác phòng dịch cực kỳ tốn kém, bình quân mỗi tháng riêng tiền hóa chất đã ngốn đến 350 - 500 triệu đồng, đó là chưa kể tiền ăn uống, đi lại của công nhân; đặc biệt là chi phí vận chuyển gần 3km để xuất lợn thịt đi bán; vận chuyển thức ăn chăn nuôi vào trại… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, để phòng dịch LMLM và DTLCP, Công ty đặt thêm 4 chốt phun tiêu độc khử trùng, một chốt hợp đồng phun tại nhà máy cám, 1 chốt tại xã Thạch Thanh (QL1A), 1 tại đường vào xã Thạch Vĩnh (nơi đặt trang trại) và 1 chốt tại cổng trại. Tăng tần suất, nồng độ phun trong trại, từ 3 ngày phun 1 lần lên 1 ngày phun 1 lần.

Phòng dịch chặt chẽ như vậy nên đàn lợn của Công ty đảm bảo an toàn, nhưng do ảnh hưởng của DTLCP nên sản lượng lợn xuất bán bình quân giảm từ 120 con lợn thịt/ngày xuống còn 80 con/ngày. Riêng lợn con thì không bán được con nào, Công ty phải đẩy hết xuống các hộ vệ tinh để nuôi lợn thịt. “Chỉ trong khoảng 20 ngày, giá lợn thịt từ 48.000 đồng/kg xuống còn 30.000 - 32.000 đồng/kg. Doanh nghiệp thua lỗ ba bề bốn bên”, ông Thảo thở dài.

Chống dịch như chống giặc

Mệnh lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo công tác phòng chống DTLCP đang được Hà Tĩnh triệt để thực hiện.

Kiểm tra công tác phòng dịch ở một số địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu các ngành, địa phương phải vừa tăng cường kiểm soát, ngăn chặn; đồng thời lên kịch bản để sẵn sàng cho phương án chống dịch.

Để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh, trước hết người chăn nuôi cần chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng dịch ngay tại trang trại, gia trại của mình và tích cực tham gia công tác phòng chống dịch, giám sát dịch tại địa phương.

Khi phát hiện dịch bệnh hoặc trong các trường hợp lợn ốm chết không rõ nguyên nhân, bà con cần báo ngay cho địa phương hoặc thú y để được hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tuyệt đối không dấu dịch, không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và để hạn chế dịch bệnh phát sinh, bà con không nên sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn cho lợn nếu chưa được nấu chín; chủ động phòng tránh dịch nhưng không bài trừ thịt lợn có nguồn gốc...

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú Y (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh), cho biết: Do tính chất nguy hiểm của DTLCP (xảy ra ở mọi tuổi lợn, mọi loại lợn, tỷ lệ chết đến 100%), ngay sau khi có thông tin dịch được phát hiện tại Trung Quốc và đang có chiều hướng lây lan mạnh, từ tháng 9/2018, ngành chuyên môn Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, chủ động các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh vào địa bàn và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với dịch bệnh...

Hà Tĩnh đã chỉ đạo lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ Nghi Xuân, Đức Thọ và Hương Sơn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật.

Ngành chuyên môn cũng cấp phát 10.000 lít hóa chất phục vụ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và đang triển khai các bước nhằm bổ sung tiếp 10.000 lít hóa chất  để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương cũng cấp phát hàng ngàn lít hóa chất cho các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình xử lý môi trường; Hà Tĩnh đã chi gần 1,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng dịch…

Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn