Hà Tĩnh: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Hà Tĩnh: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng
Sở NN-PTNT vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, thông qua điều chỉnh một số diện tích quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Theo đó, tờ trình đề xuất chuyển 28,6ha đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà sang quy hoạch rừng sản xuất.

Chuyển 21,1ha đất chưa có rừng ở huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT, đề xuất HĐND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, thông qua tờ trình điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng.

171,9ha đất khác, đất chưa có rừng của 5 huyện, thị xã, gồm: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh đang quy hoạch rừng phòng hộ đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.

Chuyển đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ với diện tích 3.145,3ha. Trong đó rừng tự nhiên 3.026,1ha; rừng trồng 10,5ha; đất chưa có rừng 108,7ha.

Diện tích 2.438,7ha đất khác, đất chưa sử dụng trong rừng sản xuất đưa ra khỏi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Như vậy, nếu được HĐND tỉnh thông qua, sau điều chỉnh quy hoạch, đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng đến năm 2020 của tỉnh Hà Tĩnh như sau: Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 341.256ha (giảm 18.940ha so với trước điều chỉnh). Trong đó, đất rừng đặc dụng 74.501ha (không tăng, không giảm); đất rừng phòng hộ 115.895ha (tăng 2.687ha); đất rừng sản xuất 150.860ha (giảm 21.627ha).

Sau điều chỉnh, diện tích đất rừng sản xuất sẽ giảm 21.627ha so với hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là để phù hợp với chỉ tiêu, cơ cấu diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 75/NQ - CP ngày 13/6/2018; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu sản sản xuất nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế xã hội khác trong tình hình mới theo hướng hiệu quả, bền vững.

Phục vụ tốt cho công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp; nâng cao tính năng phòng hộ của rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác tiềm năng lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp; đáp ứng nhu cầu quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo: Thanh Nga/nongnghiep.vn