Hành trình cán đích “Nông thôn mới”: Đủ các tiêu chí... và phải hơn thế nữa

Hành trình cán đích “Nông thôn mới”: Đủ các tiêu chí... và phải hơn thế nữa
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được ví như cuộc cách mạng chống lại cái nghèo nàn, lạc hậu, hướng tới cái văn minh song song với truyền thống tốt đẹp luôn được gìn giữ, phát huy.
 
 
“Phố trong làng” (xã Quý Lộc, huyện Yên Định). Ảnh: Hoàng Xuân
Muốn cuộc cách mạng này đi đến thành công thì phải tiến hành đồng thời “3 mũi giáp công”, đó là: phát triển sản xuất tạo nền tảng bền vững; cải thiện toàn diện chất lượng đời sống người nông dân; xây dựng nông thôn văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa. Song, đó là nhiệm vụ nặng nề, khó đến đích nếu không kiên trì và quyết tâm cao. Sự thành công của các xã Quý Lộc (Yên Định), Thiệu Trung (Thiệu Hóa) và Minh Dân (Triệu Sơn) khi sớm cán đích NTM là minh chứng cho sự đúng đắn từ nhận thức đến hành động.
 
Trong cuộc cách mạng mới này, người dân là nòng cốt, do vậy phải tạo ra được sức mạnh lòng dân, mà trước hết là xây dựng được lòng tin trong dân. Bên cạnh việc đề ra một viễn cảnh tươi đẹp, thì với người nông dân, hạnh phúc lại bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhưng gắn chặt với đời sống hằng ngày của họ, ví như một con đường mới để người già đi đỡ mỏi, để trẻ đến trường không phải lấm lem bùn đất vì mưa gió. Khi dân đã tin thì dù khó vạn lần cũng đã có dân liệu. Phát huy tính chủ thể của người nông dân là khơi dậy tinh thần trách nhiệm, song không thể không nhấn mạnh đến những lợi ích họ sẽ được hưởng thụ. Nghĩa là biết “khoan” đồng thời với “bồi” sức dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, trong đó dân biết, dân bàn, dân làm, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong dân là điều mà cả Quý Lộc, Thiệu Trung và Minh Dân đã làm được. Minh chứng là ở các xã này, vốn huy động trong dân chiếm tỷ lệ cao, ví như Thiệu Trung chiếm tới 61,91%, Quý Lộc là 52,4%. Chia sẻ “bí quyết” đi đến thành công, ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho hay: “XDNTM phải xuất phát từ lợi ích của người dân, lấy lợi ích ấy làm động lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp từ sự tham gia chung tay góp sức của cả cộng đồng”.
 
Xác định con người là nhân tố căn bản nhất của cả quá trình XDNTM. Do vậy, cần tạo được “vùng chung” trong nhận thức về quá trình này giữa lãnh đạo các cấp, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan và đông đảo nhân dân. Trong cái “vùng chung” ấy không thể thiếu sự đoàn kết, đồng lòng và cán bộ chính là khâu có tính quyết định. Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cố vấn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) XDNTM Trung ương cho rằng vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm khi triển khai chương trình này là đội ngũ cán bộ và phẩm chất cần có nhất ở họ phải là tính trách nhiệm. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Thanh Hóa, ông tâm sự: “Cán bộ nên trở về với dân, lắng nghe tiếng nói của dân bằng niềm đồng cảm thực sự; lấy trách nhiệm để đối diện với vấn đề lớn nhất ở nông thôn lúc này là đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn”. Cùng một xuất phát điểm như nhiều vùng quê khác, song Quý Lộc, Thiệu Trung và Minh Dân đã có sự bứt phá mạnh mẽ để sớm về đích NTM. Trong sự thành công ấy thiết nghĩ không thể không có cái tinh thần dám nghĩ, dám làm, làm một cách chủ động, sáng tạo, dám đối diện với cái khó và không trông chờ, ỷ lại, trong đó cán bộ phải là người đi trước. 
 
Mặc dù có tới 8 tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, song xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ có thể xem là tiền đề, còn phát triển sản xuất phải là gốc nếu muốn “nông thôn mới” mang tính bền vững. Đây cũng là vấn đề cốt lõi cần giải quyết nhằm tạo ra nguồn lực, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng đời sống người nông dân. Quá trình triển khai thực hiện chương trình, ngoài rất nhiều văn bản buộc phải căn cứ, thì điều kiện thực tế - với những thế mạnh riêng - phải là căn cứ quan trọng nhất. Dựa vào thế mạnh ấy, biến nó thành khâu đột phá làm đầu tầu để kéo cả quá trình XDNTM là những gì mà Quý Lộc, Thiệu Trung và Minh Dân đã làm và làm một cách hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đình Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Lộc, nhấn mạnh: phương châm của địa phương khi thực hiện XDNTM là “tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ”. Từ đó Quý Lộc đã tập trung đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như quy hoạch vùng thâm canh 500 ha lúa năng suất, chất lượng cao; 50 ha lúa giống; phát triển mạnh loại hình trang trại và gia trại, trong đó đa dạng hóa các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao. Với Thiệu Trung, khâu đột phá là đào tạo nghề, phát triển làng nghề, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; với Minh Dân là xây dựng giao thông, kênh mương nội đồng và phát triển dịch vụ... 
 
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, song Thanh Hóa tự hào khi sớm có nhiều xã đạt chuẩn NTM như bộ tiêu chí Trung ương. Thế nhưng, “nông thôn mới” không phải là một danh hiệu và đủ 19 tiêu chí đã là NTM hay chưa thiết nghĩ cần thêm thời gian để nhìn nhận thông qua đời sống, sự hài lòng, khả năng làm chủ của người dân. Bởi, dù đủ 19 tiêu chí mà đời sống của đại bộ phận người nông dân ở nông thôn chưa thực sự được cải thiện, chưa đúng với niềm mong đợi của họ thì chưa thể là NTM. Và vì vậy, đánh giá NTM, theo ông Lê Huy Ngọ, phải do người dân – những người trực tiếp làm, hưởng thụ - đánh giá. Đó mới là NTM thiết thực và đích thực!
 
.Lê Dung
Theo baothanhoa.vn