Hành trình tỉnh đầu tiên về đích nông thôn mới: Cách làm riêng của Quảng Ninh

Hành trình tỉnh đầu tiên về đích nông thôn mới: Cách làm riêng của Quảng Ninh
Hơn 2 năm trước, trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Ninh, đồng chí Hồ Xuân Hùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong cả nước mới chỉ có Quảng Ninh mạnh dạn khẳng định năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành Chương trình Xây dựng nông thôn mới (trước cả nước 5 năm). Chính quyết tâm của Quảng Ninh đã kích thích, khích lệ các địa phương khác mạnh dạn hơn trong xây dựng nông thôn mới. Tất nhiên đã khẳng định gương mẫu, đi đầu thì Quảng Ninh sẽ có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Và tôi tin rằng Quảng Ninh sẽ thành công.

Dành nguồn lực hoàn thành các tiêu chí “cứng”

Nhìn lại kết quả đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Do điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng nông thôn của tỉnh mang tính đặc thù, nhu cầu cần đầu tư rất lớn nên tỉnh đã rất quan tâm, dành nguồn lực đầu tư thoả đáng cho việc thực hiện các tiêu chí “cứng” của Chương trình. Năm 2011 - năm đầu thực hiện, tỉnh quyết định dành hơn 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cứng hoá hệ thống kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông, nhà văn hoá, trường học, trạm y tế…

Người dân thị trấn Trới (Hoành Bồ) đã xây dựng được thương hiệu cho vùng hoa của mình. Ảnh: Đỗ Giang
Người dân thị trấn Trới (Hoành Bồ) đã xây dựng được thương hiệu cho vùng hoa của mình. Ảnh: Đỗ Giang

Sang năm 2012, dù nguồn lực đầu tư trực tiếp cho chương trình đã giảm nhưng tổng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã cũng đạt gần 1.100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới là 427 tỷ đồng và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 673 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới các hạng mục công trình chủ yếu. Với việc tập trung nguồn lực đầu tư nên chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên toàn tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể.

Kết thúc năm 2012 các chỉ tiêu về hạ tầng nông thôn tăng so với năm 2011, như: Số xã có tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn tăng thêm 17 xã; số xã có tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa tăng thêm 8 xã; số xã có hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh tăng thêm 12 xã, số xã tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất  đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 10 xã… Điều quan trọng nguồn lực này không chỉ giúp cho các địa phương sớm hoàn thiện được những tiêu chí “cứng” mà còn có tác dụng kích thích, tạo hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân thế nên mới có được phong trào hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn lan toả rộng khắp trên toàn tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai được 201 công trình giao thông nông thôn, với tổng số trên 70km. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, có chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng, hình thành các phong trào ở khu dân cư về xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng...

Cùng với tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân, các vùng nông thôn đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp trên 200 công trình, trong đó đã kiên cố hoá, nạo vét được gần 100km kênh mương, xây dựng tu bổ sửa chữa, nâng cấp được hàng trăm công trình thuỷ lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Đặc biệt để nâng cao chất lượng đời sống cho cư dân nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, các địa phương đã xây dựng, nâng cấp được 45 công trình nước sạch tập trung, quy hoạch các bãi thu gom rác thải, sửa chữa các cống rãnh thoát nước thải vệ sinh. Cùng với đó hết năm 2012 tất cả các thôn, bản của tỉnh đều đã có điện lưới quốc gia, hệ thống trường học, trạm y tế đều được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Ngoài ra, các công trình thực hiện tiêu chí “mềm” hầu hết là các công trình chuyển tiếp, hoàn thành chuyển từ những năm trước sang và một số công trình mới theo các mục tiêu của Chương trình NTM như: trụ sở công an xã, chợ nông thôn…

Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất

Xác định rõ phát triển sản xuất là “gốc” để nâng cao thu nhập nên Ban chỉ đạo của tỉnh đã thay đổi trọng tâm chỉ đạo của chương trình là ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất năm sau cao hơn năm trước, năm 2012 tỷ lệ quy định là 15% trong tổng nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới dành để hỗ trợ cho phát triển sản xuất, cao hơn 15 lần so với năm 2010 và năm 2013 tăng lên thành 50%. Các địa phương đã nhận thức sâu sắc vốn nguồn hỗ trợ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho các hộ dân góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên đã bố trí vốn cơ bản đủ 15% theo chỉ đạo của tỉnh, tỷ lệ đối ứng tham gia các dự án sản xuất của các hộ dân đạt từ 30 -  67%. Đặc biệt, một số địa phương như TP Móng Cái năm 2012 đã bố trí vốn hỗ trợ cho phát triển sản xuất vượt mức quy định là 5,8 tỷ đồng , huyện Hải Hà 3,5 tỷ đồng, Cô Tô 2 tỷ đồng, Bình Liêu 5,4 tỷ đồng, Quảng Yên 2,5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: Từ năm 2012 công tác chỉ đạo, điều hành phát triển ở địa phương đã có sự tập trung, quyết liệt hơn, cơ chế, chính sách được vận dụng thích hợp. Như TX Quảng Yên một số mô hình sản xuất đã được tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm đủ điều kiện nhân rộng được chú trọng đầu tư theo hướng tạo sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đặc trưng. Sau khi được phân cấp thị xã đã giao vốn cho cấp xã tạo điều kiện cho các xã chủ động, linh hoạt trong tổ chức triển khai và lựa chọn những mô hình phù hợp với thực tiễn của cơ sở.

Với cách chỉ đạo mới, hiệu quả này nên hầu hết các mô hình, dự án phát triển sản xuất của tỉnh hiện nay đều đã bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu sản xuất của các địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nghiên cứu ứng dụng và nhân rộng góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất điển hình như dự án sản xuất rau an toàn ở phường Cộng Hoà (TX Quảng Yên), sản xuất mía đường ở Hải Hà, trồng thanh long ruột đỏ, cam V2, nấm ăn ở Đông Triều, Hoành Bồ; hoa cao cấp ở Hoành Bồ, ba kích ở Hoành Bồ, Vân Đồn. Sản xuất phát triển nên đã góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Năm 2012 thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 12,5 triệu đồng/năm lên 14 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,89% (năm 2011) xuống còn 3,68% (năm 2012).

Ngọc Lan
baoquangninh..com.vn

,