Hạt gạo, con cá xuất khẩu có bị chặn bởi tường lửa internet?

Việc bắt buộc doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD) phải áp dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng và có các giấy phép chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy không chỉ sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của DN, phát sinh thủ tục và mở ra mảnh đất mới cho tiêu cực sinh sôi, mà còn dẫn tới nguy cơ hạt gạo, con cá xuất khẩu (XK) có thể bị chặn bởi tường lửa internet.

Đây là những lo ngại của các chuyên gia, DN nêu lên nếu dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua.

Lo nông sản hết đường XK

Ông Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, chia sẻ việc sốt sắng tìm đường đi cho hạt gạo, tôm, mực, cua, cá, giày dép XK, Việt Nam đã nỗ lực tham gia WTO. Dĩ nhiên không miễn phí, mà đổi lại phải mở cửa cho viễn thông, internet và các dịch vụ xuyên biên giới.

Trong cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia cuối năm 2006, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

Chính vì điều này, ông Hảo đánh giá, tại Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng, cơ quan soạn thảo sau khi rà soát kỹ càng đã quyết tâm đối mặt, không ngại xung đột với các điều khoản WTO, EVFTA, CPTTP (đang có triển vọng được thông qua) đặt ra yêu cầu: “Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Dẫn tới theo Luật sư Hảo, đa phần dư luận đều mới chỉ bàn đến tác động xấu của sự phát triển của khoa học công nghệ, trao đổi tri thức, nếu Google bị chặn, tác động đến thương mại điện tử đối với cư dân bán hàng trên Facebook nếu Facebook từ chối yêu cầu đặt server và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Và, dùng những gì diễn ra ở Trung Quốc để dự đoán cho cuộc chiến tranh thương mại giữa Việt Nam và các nước G7.

Song theo ông Hảo như thế vẫn chưa đủ. “Trung Quốc quá lớn để các quốc gia phương Tây có thể trả đũa thương mại. Nhưng Việt Nam không có vị thế như Trung Quốc, thương mại Việt Nam dễ bị tổn thương hơn nhiều”.

Cụ thể, ông Hảo cho rằng không nhất thiết phải tiến hành một vụ kiện nhằm khai trừ Việt Nam ra khỏi WTO, mà họ có thể chọn những điểm thương mại quốc tế dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam như tôm, mực, cua, cá, hạt gạo của người nông dân. Đây sẽ là điểm dễ bị tổn thương và nhạy cảm nhất đối với Việt Nam. “Hạt gạo, con cá XK có bị chặn bởi tường lửa internet”, ông Hảo lo ngại. 

Cùng với đó, theo các chuyên gia, việc bắt buộc các DN và NTD phải áp dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng và có các giấy phép, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của DN, phát sinh thủ tục và mở ra mảnh đất mới cho tiêu cực sinh sôi.

Việc bắt buộc các DN và NTD phải áp dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của DN, phát sinh thủ tục và mở ra mảnh mới cho tiêu cực.

Giấy phép con tái diễn

Các chuẩn mực do các hiệp hội công nghệ thông tin (CNTT) quốc tế thường luôn tiên phong, đa dạng và linh hoạt hơn so với các tiêu chuẩn của chính phủ, dù là Chính phủ Việt Nam hay Hoa Kỳ, Campuchia. 
Bởi vậy, nếu trói DN viễn thông, CNTT Việt Nam với các chuẩn khô cứng, trì trệ của Nhà nước thì sẽ kéo theo cả một nền CNTT trì trệ, mất sức cạnh tranh khi cánh cửa thị trường viễn thông cũng sắp phải mở toang cho nước ngoài.

Dẫn tới, các DN Việt Nam sẽ khó mở lòng mở rộng dịch vụ xuyên biên giới như các đối thủ và sẽ phải từ bỏ mô hình bảo mật đầu cuối, hay bảo mật cục bộ thiết bị. Điều này vô hình trung đẩy DN CNTT Việt Nam vào thế bất lợi, các startup Việt Nam lại phải tìm cách nộp thuế cho Singapore, Hoa Kỳ để lách các quy định khác với thông lệ và khuynh hướng quốc tế này. 

Đại diện một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế lo ngại: “Nếu dự luật được thông qua, tôi lo ngại cho chính sự tồn vong của DN mình”. 

Hơn nữa, DN này cho biết, nếu dự thảo Luật được thông qua, DN sẽ không quản lý người dùng nữa mà dùng quản lý người dùng của Google. Điều đó có nghĩa không thuê máy chủ ở Việt Nam mà đặt máy chủ ở Amazon để tránh bị ràng buộc trách nhiệm do Luật này đặt ra.

“Khi đó sẽ xuất hiện rủi ro, lẽ ra Nhà nước có thể kiểm soát DN, kiểm soát thông tin vì DN ở Việt Nam. Sau khi Luật này ra đời, DN đặt hết bên nước ngoài, không đặt cái gì ở Việt Nam, không quản lý người dùng nữa”, vị DN này cho biết. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đánh giá, tác động của dự thảo Luật An ninh mạng cần phải được làm rõ, nhất là về chi phí thực hiện cũng như tổn thất không chỉ đo bằng tiền, mà còn là tâm lý xã hội, tâm lý DN bao gồm cả người Việt Nam và nước ngoài.
 

Thy Lê 
Thoibaokinhdoanh.vn