“Hạt ngọc Việt”: Nhìn từ bốn nhà

Hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện. Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ rõ những điểm yếu của ngành hàng sản xuất lúa gạo: sử dụng nhiều lao động, nhiều vật tư, nhiều tài nguyên đất và nước, nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Giá thành gạo cao hơn so với thế giới. Khả năng cạnh tranh kém, chỉ bán vào thị trường dễ tính, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội. Chưa có thương hiệu nổi tiếng và hiện bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước.

Thực tế là, trên thị trường gạo ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ,…  và ngay cả tại vựa lúa gạo hàng đầu thế giới - Đồng bằng sông Cửu Long, không ít cửa hàng kinh doanh gạo đang bán nhiều loại gạo có gắn tên Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…  Người mua không ít. Đó là nghịch lý của ngành hàng lúa gạo hàng đầu thế giới - Việt Nam. Đây cũng chính là băn khoăn mà Thủ tướng chia sẻ tại Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nói: “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”.

Qua thực tế ngành lúa gạo nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng những năm qua và phát biểu của Thủ tướng, thấy cả bốn nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và các cơ quan khoa học) đều còn tồn tại nhiều điểm yếu.

Đối với Nhà nước, cả bộ chuyên ngành và chính quyền các cấp trong nhiều năm liền vẫn lấy năng suất, số lượng năm sau cao hơn năm trước là thành tích. Điều này khiến chất lượng gạo của ta “chỉ bán cho thị trường dễ tính” mà loại thị trường này đang bị thu hẹp và bị cạnh tranh bởi chất lượng gạo cao hơn của các nhà sản xuất khác. Chưa làm tốt vai trò xây dựng, điều chỉnh, giám sát thực hiện quy hoạch, thị trường, thể chế để sản xuất lớn bền vững, hiệu quả cao. Và chưa tròn vai trong vai trò phân định tranh chấp giữa hai chủ thể chính, nhà nông và doanh nghiệp.

Đối với nhà nông, tư duy liên kết và tuân thủ quy hoạch rất yếu, thiếu kiến thức nên dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức. Điều này vừa khiến giá thành cao vừa gây mất an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và mất dần thị trường.

Đối với doanh nghiệp, tuy có hiệp hội nhưng vẫn mạnh ai nấy chạy, chưa coi trọng lợi ích của nhà nông - người làm ra hạt gạo, chưa coi trọng chế biến sâu và xây dựng thương hiệu. Chưa làm tốt vai trò đầu tàu dẫn dắt sản xuất và thị trường.

Vì nhiều lý do, vai trò của các nhà khoa học khá mờ nhạt trong nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất gạo.  

Tóm lại, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, điểm yếu cốt lõi trong ngành hàng lúa gạo của ta là vấn đề lợi ích của nông dân trong quan hệ thị trường: Thiếu hụt về các loại thị trường (đất đai, vật tư, khoa học công nghệ, lao động, tài chính tiền tệ…) làm cho độ rủi ro tăng; thiếu hụt về mối liên hệ, liên thông giữa các thị trường nên nông dân thường thua thiệt, được mùa mất giá; thiếu hụt về chiến lược, chính sách giao thoa giữa thị trường và nông dân.

Để giải bài toán này, tại Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng ngành, các địa phương sản xuất lúa gạo. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc thay đổi thể chế để những chủ thể chính (người nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học - NV) chủ động trong nâng cao hiệu quả ngành hàng đặc biệt quan trọng này.

Hy vọng rằng, những điều Thủ tướng yêu cầu được các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai để nhà nông và doanh nghiệp không phải chờ đợi lâu trong hành trình lấy lại uy tín của hạt gạo Việt.

 
Theo: Thanh Hiền/kinhtenongthon.com.vn