Hậu Giang: Khai thác thế mạnh công nghiệp trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 06/08/2015 20:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ địa phương có khu, cụm công nghiệp (KCCN) nên công tác xây dựng NTM ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Đi trên những con đường trải dài tít tắp, thật ngạc nhiên vì diện mạo nông thôn ở xã Đông Phú đã thay đổi rất nhiều so những năm trước. Ông Võ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, cho biết: Khi phong trào xây dựng xã NTM nở rộ rộng khắp các địa phương trong tỉnh thì xã vẫn nằm ngoài danh sách các địa phương được chọn làm điểm của tỉnh và huyện Châu Thành. Kết quả xây dựng NTM tới thời điểm này, có thể khẳng định là sự đột phá. Từ việc xác định công nghiệp phát triển sẽ kéo theo các tiêu chí khác như thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giao thông, điện, nước, quy hoạch, nhà ở dân cư, bưu điện, môi trường, cơ cấu lao động… nên xã khoanh vùng các tiêu chí có liên quan để nâng chất trước tiên. Sau nhiều năm phấn đấu, xã Đông Phú đã hoàn thành 15/19 tiêu chí (cuối năm 2014).
Cùng với dáng dấp công nghiệp ở Khu công nghiệp Sông Hậu dần định hình kéo theo các ngành nghề thương mại - dịch vụ đi kèm phát triển. Dọc Quốc lộ Nam Sông Hậu, hàng trăm quán xá, dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà trọ, nhà nghỉ mọc lên phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp. Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ từ các dự án “treo” được thay dần bằng các công trình đang ngày đêm hoạt động. Ngoài những yếu tố “sẵn có” thì công tác tuyên truyền về xây dựng NTM luôn được các ngành chức năng địa phương phổ biến sâu rộng đến từng hộ gia đình, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Xã hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân bằng việc liên kết các công ty, cung ứng lao động.
Các doanh nghiệp hoạt động không chỉ giải quyết được bài toán lao động cho địa phương còn góp phần đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội, phúc lợi, kể cả việc chăm lo cho các con em của công nhân đang làm việc tại công ty. Đến nay, xã có hơn 2.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp với thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, chỉ cần mỗi gia đình có 1 đến 2 người đi làm tại các doanh nghiệp thì các hộ này sẽ có nguồn thu nhập ổn định. Thống kê thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của xã đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,98%. Anh Lê Quốc Đạt, công nhân làm việc tại dự án Nhà máy bia Masan Hậu Giang, cho biết: “Nhờ các doanh nghiệp nên gia đình tôi tìm được việc làm ổn định hơn. Vợ tôi làm công nhân cho Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Minh Phú, cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định”.
Theo kế hoạch đề ra, đến cuối năm, xã Đông Phú sẽ hoàn thiện thêm 3 tiêu chí trường học, giao thông, chợ. Xã tiếp tục huy động các nguồn lực từ nhân dân, các doanh nghiệp để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo đó, những tháng cuối năm, xã nâng chất thêm 4 tuyến giao thông nông thôn với chiều dài 5,8km ở các ấp Phú Lợi, Phú Lộc, Phú Thọ, Phú Hòa. Song song đó, tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng chợ NTM từ chợ Đông Phú hiện hữu. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thành Phát sắp xếp lại các lô, sạp, thành lập các bộ phận chức năng cơ bản trong chợ.
Tuy nhiên, theo địa phương, các tiêu chí về an ninh trật tự, môi trường mặc dù đã cơ bản hoàn thiện nhưng khả năng không được tái công nhận cũng rất lớn. Ông Võ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, chia sẻ thêm: Hiện nay có hơn 7.000 lao động đang tạm cư tại xã. Chỉ cần một sự việc đánh nhau mặc dù không phải người địa phương gây ra thì nguy cơ mất an ninh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc bình xét tiêu chí môi trường. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn nhất và vượt tầm xử lý của địa phương. Bên cạnh đó, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cần nguồn vốn đầu tư từ các cấp. Để tạo bước phát triển mới, địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về nguồn vốn đầu tư cũng như sự.
Theo: tintucmientay.com.vn