Hết “khát” vốn, nông dân Quảng Ninh dám "nghĩ lớn, làm lớn"
- Thứ năm - 18/07/2019 19:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tích cực huy động nguồn vốn
Theo báo cáo của Hội ND tỉnh, đến nay, Quảng Ninh có 11/14 huyện, thị xã, thành phố xây dựng được Quỹ HTND với trên 1.300 chi hội có quỹ; 13/14 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban điều hành Quỹ HTND. Trong đó, nhiều địa phương có mức quỹ cao, từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng như: Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều...
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được thí điểm tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên bằng nguồn vốn từ Quỹ HTND. Ảnh: Lan Anh
"Nguồn vốn Quỹ HTND đã được các cấp Hội thẩm định cho vay đúng đối tượng, đầu tư sử dụng đúng mục đích, bám sát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, các hộ nông dân được vay vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và trồng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao”. Ông Đào Thanh Lưỡng - |
Để duy trì và tăng trưởng quỹ, thời gian qua, Hội ND các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ tổ chức, cá nhân; đồng thời tăng cường kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ.
Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ HTND tỉnh Quảng Ninh được cấp bổ sung nguồn ngân sách là 2,5 tỷ đồng, UBND cấp huyện cấp bổ sung Quỹ HTND cấp huyện 1,461 tỷ đồng nâng tổng nguồn vốn quỹ đến 31/5/2019 là hơn 37 tỷ đồng. Nguồn vốn được đầu tư cho vay thông qua các dự án phát triển sản xuất gắn với xây dựng mô hình liên kết giữ các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn.
Hoạt động thẩm định và cho vay quỹ thời gian qua đã được các cấp Hội quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Công tác quản lý tài chính bảo đảm đúng quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của T.Ư Hội. Đến nay nguồn vốn cho vay, thu hồi không có nợ quá hạn.
Thông qua Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ nông dân có vốn để sản xuất kinh doanh thuận lợi, vươn lên làm giàu chính đáng; qua đó, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương.
Cho vay đúng đối tượng
Thời điểm cách đây một năm, gia đình anh Phạm Văn Chiêu (ở thôn 4, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) vẫn nuôi thủy sản trong những ao nhỏ lẻ. Sau khi được Hội ND huyện khuyến khích mở rộng, tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND, anh Chiêu đã quyết định mở rộng diện tích, thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng. Không chỉ có gia đình anh mà trong xã cũng có 8 hộ khác cùng vay vốn để phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm ổn định cho 30-40 lao động địa phương.
Không chỉ ở Đồng Rui, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả từ nguồn Quỹ HTND cũng đã được triển khai ở Bình Liêu như mô hình nuôi dê, cá, chế biến miến dong... với tổng vốn vay trên 2,6 tỷ đồng. Hay như TP.Móng Cái triển khai dự án “Chăn nuôi lợn Móng Cái” tại phường Hải Yên với kinh phí 800 triệu đồng, 3 dự án nuôi tôm tại xã Hải Đông, xã Vạn Ninh và phường Hải Hòa với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng vay từ Quỹ HTND T.Ư và của tỉnh.
Ông Đào Thanh Lưỡng - Chủ tịch Hội ND Quảng Ninh cho biết: Nguồn vốn Quỹ HTND đã được các cấp Hội thẩm định cho vay đúng đối tượng, đầu tư sử dụng đúng mục đích, bám sát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, các hộ nông dân được vay vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và trồng cây công nghiệp...
Quỹ HTND tỉnh Quảng Ninh được triển khai có hiệu quả, thiết thực, đã hỗ trợ trực tiếp và thúc đẩy nông dân đầu tư phát triển sản xuất. Các dự án được đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương theo chương trình OCOP, giúp các hội viên vay vốn có thêm việc làm, tăng thu nhập,...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của quỹ, hỗ trợ tối đa cho nông dân, thời gian tới Hội ND tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể. Theo đó, Hội sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành quỹ các cấp; tiến hành công tác kiểm tra theo kế hoạch tại các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; thực hiện công tác cho vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả.
Nâng cao chất lượng các dự án vay vốn, xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN, kịp thời lập kế hoạch, luân chuyển dự án thu hồi, không để tồn đọng vốn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các hộ có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trong các lĩnh vực sản xuất cho người vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Theo Nguyễn Quỳnh/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây