Hết thời thuỷ canh, người Đà Lạt đua nhau trồng rau trong không khí
- Thứ ba - 20/02/2018 22:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo phương pháp này, cây không trực tiếp trồng vào đất (địa canh), hoặc nhúng vào môi trường dung dịch (thủy canh), mà được cố định trên giá đỡ để bộ rễ phát triển trong môi trường không khí. Việc chăm sóc cho cây theo định kỳ thời gian - được lập trình sẵn bằng máy tính, từ 5 - 15 phút, hệ thống tưới sẽ tự động phun theo dạng phun sương; khi cần bón phân cũng sẽ hòa lẫn vào nước để cung cấp cho cây hấp thụ, tùy theo độ tuổi của cây trồng sẽ có lập trình khác nhau cho phù hợp. Nhờ bộ rễ trong môi trường thoáng khí, giúp cây trồng dễ hô hấp, hấp thụ dinh dưỡng nên sinh trưởng nhanh hơn.
Chủ trang trại Langbiang Farm (TP Đà Lạt), ông Trần Huy Đường cho biết: Sau khi qua châu Âu, Nhật Bản..., tham quan, nghiên cứu kỹ thuật, sau đó được sự hỗ trợ về kỹ thuật của GS.TS Nguyễn Quang Thạch, người đã dày công nghiên cứu công nghệ khí canh trong điều kiện Việt Nam suốt nhiều năm qua, và của Viện Sinh học Nông nghiệp (Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội), ông quyết định áp dụng thí điểm công nghệ khí canh để sản xuất rau thương phẩm và bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Phương pháp này không chỉ cho ra sản phẩm nông sản sạch mà còn tiết kiệm được nước, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học; để tiêu diệt côn trùng trên từng luống rau, chủ nhân gắn bẫy dính màu vàng dẫn dụ.
Trước đó, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, người được nhiều nông dân yêu quý gọi tên “Giáo sư Khoai tây sạch” cũng đã chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác khoai tây giống bằng phương pháp khí canh cho Công ty TNHH Dalat GAP. Sau 3 vụ trồng thử nghiệm trên diện tích 500 m2 tại khu vực Đất Mới (P7, TP Đà Lạt), đã cho thu hoạch với năng suất tăng khoảng 5 lần so với phương pháp trồng theo truyền thống - trồng dưới đất.
Phương pháp canh tác khí canh tuy mới được làm thí điểm ở phố núi, nhưng một số chuyên gia về nông nghiệp, cho rằng: Đây là hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp sạch của Đà Lạt.