Hiến kế nâng tầm nông sản Việt

Những con số mà ông Koichiro Abe - Tổng giám đốc điều hành Công ty Raycean - đưa ra tại Hội thảo ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam – Nhật Bản không chỉ khiến nhiều nông gia mà ngay cả chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ngỡ ngàng.
Ảnh minh họa

Theo đó, các mặt hàng nông sản Nhật Bản có chất lượng, giá trị cao dựa trên thương hiệu, công nghệ trồng trọt. Chẳng hạn, xoài trung bình giá 48,5 USD/kg nhưng có thể tăng 112% nhờ thương hiệu "Taiyo-no-tamago" trồng ở Miyazaki; xà lách cũng giá tăng gấp 200% với thương hiệu "xà lách có hàm lượng Ka thấp" trồng tại Fukushima. Thậm chí, cà chua rất rẻ nhưng giá có thể tăng trên 2.600% với thương hiệu "Tokutani-tomato" sản xuất ở Kochi…

"Công nghệ, bí quyết và chiến lược marketing là phương thức để nâng tầm giá trị nông sản", ông Koichiro Abe nói và nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho nông dân Việt Nam". 

Theo các chuyên gia, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản. Hơn thế, trong bối cảnh hợp tác nông nghiệp giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, đây là cơ hội để nông sản Việt Nam nâng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, nhất là mặt hàng rau, quả. 
Việt Nam đang phát triển chuỗi giá trị nông sản, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đặc sản vùng miền, đây mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, không chỉ dừng ở trong công đoạn sản xuất mà cần tiếp cận công nghệ cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ trồng trọt, thu hoạch, chế biến cho đến phân phối. Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, công nghệ cũng phải tương đối tương thích với công nghệ nước bạn để tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng hàng hóa và được thị trường thừa nhận. Đó là công nghệ liên quan đến chế phẩm sinh học, thủy canh, vật liệu kiểm soát nhiệt độ, thuốc trừ sâu hữu cơ… 

Ngoài công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến cần áp dụng, các chuyên gia đến từ Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản cũng khuyến cáo một xu hướng là nhu cầu với thực phẩm hữu cơ đang tăng trưởng với tốc độ cao. Để thương mại hóa sản phẩm hữu cơ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chứng nhận hữu cơ. Cụ thể, chế độ chứng nhận hữu cơ JAS của Nhật Bản là chế độ thông dụng quốc tế mà nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam cần có.