Hiệu quả cao sau dồn điền đổi thửa
- Thứ ba - 17/03/2015 23:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ trương đúng
Cuối năm 2012, Lệ Chi là một trong 4 xã trên địa bàn huyện Gia Lâm triển khai thực hiện chương trình DĐĐT và thôn Gia Lâm đăng ký đi tiên phong. Sau hàng chục buổi họp bàn với người dân để vận động, tuyên truyền về lợi ích của DĐĐT tạo được sự đồng thuận, nên ngay vụ Xuân 2013, thôn Gia Lâm đã hoàn tất chương trình. Trước đây, một khẩu có diện tích 470m2 nhưng phải canh tác trên 8 mảnh thì sau khi dồn đổi, mỗi hộ chỉ còn 2 thửa nên việc thâm canh rất thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Chính - một người dân của thôn cho biết, nhà ông có gần một mẫu gồm 8 thửa, sau dồn đổi đã quy gọn thành 2 thửa rộng rãi. Theo ông, đây chính là cơ hội để thực hiện ước mơ làm giàu từ đất nông nghiệp. Do đó, ngay sau khi nhận ruộng, ông đã trồng 5 sào hành Xuân, thu lãi 50 triệu đồng. Tiếp đó, gia đình ông mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng thực hiện mô hình trồng các loài hoa cúc, thược dược, lay ơn, vi ô lét trên toàn bộ diện tích được giao. Do có diện tích lớn, thuận tiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư về tưới tiêu nên gia đình ông có sản phẩm bán quanh năm. Với 11 nhân khẩu, ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, mỗi năm, gia đình ông tích lũy được trên 300 triệu đồng.
Mô hình sản xuất hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi. |
Không riêng nhà ông Chính, cả 237 hộ dân còn lại của thôn Gia Lâm đều tận dụng lợi thế của cánh đồng mẫu lớn để thâm canh cây trồng, tăng thu nhập. Những gia đình có vốn thì đầu tư chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cây ăn quả, các hộ chưa có điều kiện thì thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chân lúa đều áp dụng việc gieo sạ với giống chủ lực TH3-3 đạt năng suất cao hơn cấy lúa truyền thống 1,5 lần. Diện tích cây màu chủ yếu là sản xuất rau an toàn, cho thu nhập cao hơn trước.
Hỗ trợ nâng hiệu quả sản xuất
Ông Đặng Bá Phúc - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lệ Chi cho biết, để động viên người dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn bền vững, mỗi năm, HTX đầu tư từ 150 - 200 triệu đồng hỗ trợ nông dân sản xuất. Số kinh phí này dành thực hiện toàn bộ công ngâm ủ giống và kéo sạ (mỗi vụ từ 80 - 130ha), công diệt chuột và chi phí nạo vét, sửa chữa mương cứng, lắp đặt cánh cống… Hai năm qua, HTX còn chủ động đề nghị Trạm Khuyến nông và UBND huyện hỗ trợ 50% và 100% giống thực hiện mô hình trồng 13,1ha khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, đạt năng suất trên 200tạ/ha. Bên cạnh đó, các đoàn thể còn giúp nông dân mỗi năm vay trên 10 tỷ đồng từ các nguồn để thực hiện các mô hình kinh tế chuyển đổi.
Là xã thuần nông nên Lệ Chi lấy việc thực hiện DĐĐT là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới để nông dân tăng nhanh thu nhập, làm giàu từ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế. Đó là việc cả xã có gần 100 hộ có nguyện vọng thực hiện các mô hình kinh tế chuyển đổi, song mới có gần chục phương án được phê duyệt. Nhiều gia đình băn khoăn vì đã mạnh dạn nhận ruộng xa, ruộng xấu để thực hiện mô hình kinh tế trang trại, nhưng việc chuyển đổi hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, người dân xã Lệ Chi nói riêng, huyện Gia Lâm nói chung mong muốn được các cấp, các ngành chức năng của huyện và TP quan tâm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các mô hình này nhằm nâng cao tính hiệu quả sử dụng đất sau DĐĐT.
Theo: ktdt.vn