Hiệu quả của dồn điền đổi thửa

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là một tiêu chí. Tuy nhiên, với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như hầu hết các xã của Hà Nội, khi bước vào xây dựng NTM, nếu tiến hành thành công công tác DĐĐT sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng NTM.
Dồn điền đổi thửa ở xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn
Trước hết, với tiêu chí quy hoạch (tiêu chí 1), nếu DĐĐT thành công từ nhiều ô, thửa/hộ, phân tán trên nhiều cánh đồng chỉ còn 1 - 2 ô, thửa/hộ, sẽ giúp cho địa phương tiến hành công tác quy hoạch xã NTM rất thuận tiện. Cụ thể là: quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch điểm dân cư, quy hoạch mương máng, thủy lợi (tiêu chí 3), giao thông nội đồng (tiêu chí 2)... Do có ô thửa lớn, mương máng, giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo tiêu chí sẽ giúp cho công tác cơ giới hóa đồng ruộng, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi giải phóng sức lao động của người nông dân, từ đó hỗ trợ cho tiêu chí nâng cao thu nhập của người nông dân (tiêu chí 10) và góp phần hỗ trợ tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Thực tế tại Hà Nội, kết quả của DĐĐT trong xây dựng nông thôn mới đã và đang diễn ra thuận lợi tại xã Đại Thắng (Phú Xuyên), xã Tân Hưng, Minh Trí (Sóc Sơn), xã Hợp Thanh (Mỹ Đức)… Đồng thời, do đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong HTX NN, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng sẽ giúp cho công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông thôn diễn ra thuận lợi, hình thành các HTX chuyên canh, hỗ trợ cho hoạt động của HTX NN (tiêu chí 13). Trước đây, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một địa phương nào đó phải bàn bạc với nhiều hộ, thì nay chỉ cần bàn bạc thống nhất thỏa thuận với một hoặc vài hộ là có thể có một diện tích đủ lớn để thực hiện một dự án sản xuất. Như vậy, DĐĐT còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, như chúng ta đã biết, trước đây khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công, đo bằng thước gậy, thậm chí nhiều nơi còn đo bằng đòn gánh… nên sai số là tất yếu xảy ra, ngoài ra không tránh khỏi một số nơi có hiện tượng tiêu cực dẫn đến tình trạng không công bằng về diện tích đất ruộng trong nông thôn. Nay thực hiện DĐĐT, đo chia lại bằng thước dây và bằng máy nên đảm bảo chính xác, công bằng thực sự giữa các hộ dân, được nhân dân đồng tình, phấn khởi, do vậy đã hỗ trợ cho tiêu chí an ninh trật tự xã hội nông thôn (tiêu chí số 19). Ngoài ra, do lấy lại được những diện tích đất dôi dư trong các hộ dân cùng với bỏ bớt bờ vùng bờ thửa đã giúp cho địa phương có thêm quỹ đất công để hỗ trợ cho việc thực hiện qui hoạch điểm dân cư mới, qui hoạch mở mang các công trình phúc lợi của địa phương mà không phải giải phóng mặt bằng. Như vậy, sẽ hỗ trợ tích cực cho triển khai thực hiện toàn bộ các tiêu chí đầu tư cư sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm, nhà văn hóa, sân vận động… Đăc biệt quan trọng là có quỹ đất để địa phương quy hoạch các khu đấu giá QSDĐ, huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện xây dụng NTM.

Hơn nữa, công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, do đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân và phải tiến hành một khối lượng công việc rất nhiều (từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, nhiều nội dung, đo đạc, chia đất, gắp thăm, lên bản đồ, cấp hồ sơ giấy tờ…) nên nhìn chung cán bộ địa phương đều ngại, không muốn làm. Cho nên, nếu xã nào tổ chức thành công công tác DĐĐT thì rõ ràng trình độ, năng lực tổ chức thực hiện các nội dung chương trình xây dựng NTM của cán bộ xã đó đã được nâng lên rõ rệt (tiêu chí 18). Bài học thực tế tại xã Hợp Thanh (Ứng Hòa) là một ví dụ điển hình. Trong suốt 11 năm từ 1997- 2008, thực hiện các chỉ thị của T.Ư và địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ DĐĐT gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhưng xã không thực hiện được, số ô, thửa vẫn nhiều (bình quân 7-8 ô, thửa/hộ). Khi bước vào triển khai thực hiện xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương xác định lấy khâu đột phá là tổ chức triển khai công tác DĐĐT, đã tích cực tuyên truyền về ích lợi của công tác DĐĐT trong xây dựng NTM đối với toàn bộ cán bộ và nhân dân trong xã. Lãnh đạo địa phương gương mẫu đi đầu, cùng với sự ủng hộ của toàn dân, chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2011, xã đã DĐĐT xong 100% diện tích đất nông nghiệp của địa phương, đến nay mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 ô. Đồng thời sau DĐĐT đã thu được 22,9ha đất dôi dư, phục vụ cho công tác xây dựng NTM. Các xã Tân Hưng, Minh Trí (Sóc Sơn), xã Đại Thắng (Phú Xuyên), sau tổ chức DĐĐT thành công, năng lực quản lý điều hành hoạt động chung cũng như công tác xây dựng NTM nói riêng tại xã của bộ máy lãnh đạo địa phương đã được nâng lên rất nhiều.

Như vậy rõ ràng, với những địa phương ruộng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán nếu tổ chức thành công công tác DĐĐT sẽ có tác động rất tích cực cho công tác xây dựng NTM.
Ths Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội