Hiệu quả khi người dân thay đổi nhận thức
- Chủ nhật - 04/01/2015 22:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà nhà cùng vào cuộc
Hữu Vinh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 39%. Ông Nguyễn Thăng Kiêm cho biết: “Trong tư duy của người dân, từ trước đến nay tất cả chỉ trông chờ Nhà nước hỗ trợ, nhưng với Chương trình NTM, yêu cầu phải có sự tham gia của cả Nhà nước và nhân dân. Do đó, khi bắt tay làm NTM, chúng tôi đã xác định việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của người dân. Theo đó, xã đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể; lồng ghép NTM vào các chương trình hoạt động cụ thể của từng ban, ngành. Đến nay, phương pháp này đã làm thay đổi rất nhiều ý thức của người dân và ai cũng hào hứng tham gia chương trình”.
Bà Đương Thị Dung – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hữu Vinh nói: “Chúng tôi hướng bà con tới những hoạt động góp phần xây dựng NTM thiết thực, dễ thực hiện như giữ cho nhà cửa, lối đi sạch sẽ; làm chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà để hạn chế ô nhiễm... Phát động Chương trình “Ngày thứ 7 hướng về thôn bản” và cùng các cơ quan trên địa bàn xã thực hiện khơi thông cống rãnh, vệ sinh nhà cửa tại 3 thôn Bản Vàng, Nà Tậu, Mon Vải”.
Đến nay, mặc dù đường đi vào một số thôn trong xã còn khúc khuỷu nhưng đã được đổ bê tông vào tận cổng hộ gia đình. Những thôn được hỗ trợ xi măng cũng nhanh chóng giải phóng mặt bằng, huy động nhân dân đóng góp ngày công để mở rộng đường.
Tập trung phát triển kinh tế hộ
Xã Hữu Vinh gần trung tâm huyện, có nhiều đất đai sản xuất nên chính quyền luôn ưu tiên phát triển kinh tế hộ theo hướng hàng hoá. Toàn xã có trên 700 hộ ở 13 thôn bản thì có hơn một nửa số hộ phát triển kinh tế trang trại với quy mô đầu tư tương đối lớn, tập trung chủ yếu ở các thôn Bản Trang, Bản Vàng, Nà Tậu, Muôn Vải, với các mô hình điển hình như chăn nuôi đại gia súc, phát triển vườn rừng kết hợp trồng cây ăn quả như na, hồng không hạt, xoài, nhãn, vải, trồng mía…
Ông Kiêm cho biết: “Chúng tôi hướng cho những hộ chăn nuôi hình thành mô hình trang trại, đồng thời tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mới đầu vận động cũng khó lắm, vì bà con vẫn quen thả rông gia súc, còn bảo “người còn chưa có ăn mà lại đi trồng cỏ nuôi bò”... Qua quá trình vận động, cùng làm với hiệu quả thực sự, bà con đã hoàn toàn tin tưởng”. Ví dụ như gia đình Mua Mí Phùng ở thôn Muôn Vải, nhờ đầu tư chăn nuôi, trồng mía và cây ăn quả, gia đình anh thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Hay gia đình anh Chẩu Tả Thắng ở thôn Khai Hoang là hộ có thu nhập cao vì vừa trồng cây ăn quả, vừa buôn bán hàng tạp hoá, dịch vụ du lịch tại nhà...