Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 17/02/2016 20:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Diễn đàn doanh nghiệp với nông thôn mới, ngày 22/5, tại Hà Nội do Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Ban chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho thấy, sự vào cuộc của doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình còn rất hạn chế.
Nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp mới đạt 3,71% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình. Riêng với Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới do Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, nguồn vốn huy động doanh nghiệp cũng chỉ đạt 9,07%, trong khi kế hoạch đề ra của Chương trình là huy động từ doanh nghiệp và vốn khác là 20%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau gần 5 năm triển khai đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đến cuối năm 2014, cả nước có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 8,8% tổng số xã). Trong 11 xã điểm do Ban Bí thư chỉ đạo có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau gần 5 năm triển khai đã làm thay đổi diện mạo nông thôn
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, so với mục tiêu đề ra đến năm 2015 có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới, cộng với nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới là rất lớn còn phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều. Sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ yếu vẫn dựa trên sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ (10,2 triệu hộ), kinh tế hợp tác chậm phát triển, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít, liên kết sản xuất chậm phát triển là những nguyên nhân chính được nhiều đại biểu cho rằng làm hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, sự thiếu vắng của doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn còn làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chậm, lao động dư thừa đang là sức ép rất lớn cho địa phương, khu vực nông thôn.
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng, điểm yếu của nông sản Việt Nam là chất lượng thấp. Để phát triển bền vững, quan trọng là phải nâng cao chất lượng hàng nông sản, tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn nhiều. Trong các chính sách của cơ quan quản lý, phải hướng tới việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Doanh nghiệp cần liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn để tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi, xuất khẩu được. Trong mọi chính sách cần hướng tới là hình thành chuỗi giá trị, doanh nghiệp liên kết chặt với nông dân, hợp tác xã, hình thành kênh phân phối hàng nông sản, có địa chỉ tiêu thụ cụ thể. Đó là vấn đề rất lớn trong phát triển nông nghiệp trong những năm tới.
Trong xu thế phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo lập thị trường, định hướng tổ chức sản xuất, xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Với những khó khăn từ nội tại và những thách thức từ hội nhập, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, Việt Nam phải có những giải pháp hữu hiệu thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, chẳng hạn như: nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch trong đất đai, phát triển ngành nghề…; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp; công khai, minh bạch các quy hoạch, dự án kêu gọi đầu tư…
Cùng với đó, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng ung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm theo hình thức cánh đồng lớn…; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có hai vấn đề là chất lượng và kiểm soát chất lượng, quy lại là phải sản xuất trên quy mô sản phẩm lớn. Để làm được điều này, nông dân cần đóng vai trò chủ lực nhưng trong sự tổ chức lớn của doanh nghiệp.
Theo Bích Hồng/vietq.vn