Hiệu quả từ nuôi tôm càng xanh toàn đực

Hiệu quả từ nuôi tôm càng xanh toàn đực
Trong chương trình chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, Cần Giờ là một trong những địa phương đi đầu về tốc độ, quy mô và hiệu quả chuyển đổi.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại huyện Cần Giờ

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại huyện Cần Giờ

Song, với tình hình dịch bệnh, thời tiết biến đổi thất thường, môi trường nước ô nhiễm, chi phí sản xuất ngày càng tăng, đã làm cho nghề nuôi thủy sản ở Cần Giờ, nhất là nghề nuôi tôm, gặp nhiều khó khăn; trong đó, một số hộ vẫn nuôi tôm càng xanh bằng con giống tự nhiên nhưng nguồn giống này đã ngày càng cạn kiệt. 
Mặc dù vậy, bà con nông dân nơi đây đã không dừng bước, không nỡ để “đồng hoang, ao trống” mà tiếp tục tìm tòi, học hỏi những tiến bộ kỹ thuật để tích lũy kinh nghiệm, cùng với sự quan tâm của các cơ quan ban ngành có liên quan, đặc biệt là Trạm Khuyến nông Cần Giờ thuộc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, đã tích cực chuyển giao cho người dân nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh đạt năng suất rất cao. Trong đó, có mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực” bằng con giống nhân tạo tại xã Bình Khánh và Tam Thôn Hiệp. Đây là đối tượng nuôi có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái, khí hậu tại huyện Cần Giờ, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, đã và đang là vật nuôi có triển vọng trong tương lai. Mô hình là nền tảng đa dạng hóa đối tượng thủy sản phát triển bền vững, phù hợp với tình hình sản xuất trong giai đoạn hiện nay của huyện Cần Giờ và phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Sau 4 tháng tham gia thực hiện mô hình khuyến nông “Nuôi tôm càng xanh toàn đực”, anh Nguyễn Văn Danh (ngụ tổ 24, ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) phấn khởi cho biết: Nhờ sự hỗ trợ 100% chi phí giống của Trung tâm Khuyến nông, gia đình tôi đã mạnh dạn thả nuôi 50.000 con tôm giống trên diện tích ao 5.000m², với tỷ lệ nuôi sống đạt khoảng 50%, trọng lượng tôm bình quân 35g - 40g/con, giá bán 170.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 58 triệu đồng/1.000m² sau khi đã trừ hết chi phí.
Theo anh Danh, nếu bà con nuôi tôm thực hiện đúng quy trình chăm sóc đã được khuyến nông hướng dẫn, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm,…) của ao nuôi, sử dụng và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm…, sẽ góp phần hạn chế rủi ro do bệnh và mang lại lợi nhuận cao.
Mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực” bằng con giống nhân tạo đã phần nào giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Để biết thêm chi tiết về mô hình này, quý bà con có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM (số 43 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM; điện thoại 083.8221131).

 
Theo: Th.s Liễu Kiều/sggp.org.vn