Hồ tiêu: Ngôi sao sáng trên bầu trời nông nghiệp Việt

Nông dân điều tiết và quyết định giá bán cho doanh nghiệp, thị trường hồ tiêu thế giới phải “đi theo” Việt Nam là những thông tin rất ấn tượng của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Ngành hồ tiêu đã thoát được quy luật “được mùa, rớt giá” vốn là nỗi ám ảnh của người nông dân.
 
 
Mở cánh cửa 1 tỷ USD

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 4 tháng đầu năm, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt hơn 75.500 tấn, giá trị kim ngạch đạt gần 520 triệu USD, tăng hơn 40% về sản lượng và hơn 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Với kết quả này, xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 50% kế hoạch đề ra năm 2014. Đây cũng được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng nông sản trong 4 tháng đầu năm.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA dự báo, đến hết 5/2014, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 90.000 tấn, giá trị kim ngạch trên 600 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà này, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 1 tỷ USD trong năm 2014 là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Theo VPA, hồ tiêu Việt Nam chiếm tới trên 30% về sản lượng và trên 50% về thị phần xuất khẩu toàn cầu. Hiện sản phầm hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đứng đầu thế giới suốt 14 năm liền. Điều này khiến thị trường hồ tiêu thế giới phải chịu sự điều tiết từ thị trường hồ tiêu trong nước.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, sản lượng sản xuất hồ tiêu của Việt Nam bao giờ năm sau cũng cao hơn năm trước và luôn luôn trong tình trạng được mùa.

“Tuy nhiên, không như các ngành nông sản khác, dù được mùa nhưng hồ tiêu không rớt giá. Không những thế, 7 năm nay giá hồ tiêu vẫn duy trì năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA khẳng định.

Theo ông Nam, để làm được điều này, người trồng tiêu tức nông dân đã hoàn toàn kiểm soát được giá bán và doanh nghiệp chỉ có thể mua với mức giá do chính nông dân đưa ra.

“Điều này thể hiện sự thống nhất cao của người nông dân khi họ cho rằng, giữ hồ tiêu cũng như giữ một loại tiền tệ, khi nào thấy thời điểm thích hợp mới bán ra”, ông Nam giải thích thêm.

Trong khi đó, hiện có khá nhiều doanh nghiệp tìm kiếm thu mua nguyên liệu, sản lượng hồ tiêu trữ trong dân cũng không nhiều. Do đó, doanh nghiệp phải “chiều” ý nông dân.

Nông dân lãi 5 USD/kg

Theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chi phí đầu vào cho sản xuất 1 kg hồ tiêu khoảng từ 1 – 1,5 USD. Hiện mức giá mà người nông dân bán cho doanh nghiệp khoảng từ 6 – 7 USD/kg. Như vậy, nông dân lãi trung bình khoảng 5 USD trên 1 kg.

Bật mí về lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang thu mua với giá khoảng 7.000 USD/tấn loại tiêu đen, trong khi xuất khẩu ra thị trường thế giới khoảng 7.200 USD/tấn. Doanh nghiệp chỉ lãi 200 USD/tấn.

Theo ông Nam, dù hồ tiêu được giá nhưng lợi nhuận trực tiếp của doanh nghiệp khá thấp, họ chủ yếu hưởng phí dịch vụ.

Có thể nói, ngành hồ tiêu đang trở thành “ngôi sao sáng” trên bầu trời nông sản Việt. Đây là một ngành rất hiếm hoi mà người nông dân đã thoát ra được quy luật “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa” hay luôn trong nỗi lo bị thương lái ép giá, mà ngành lúa gạo là một minh chứng.
Nguồn:bizlive.vn