Hỗ trợ 10.000 tỷ đồng vốn đối ứng ODA giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương

- Số vốn này sẽ điều chỉnh tăng thêm khi có dự án ODA khởi công mới được ký kết và khi có nguồn phù hợp theo quy định.
Đó là một nội dung quan trọng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương, giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch vốn đối ứng ODA hàng năm cho từng dự án theo nguyên tắc không vượt quá mức vốn trung hạn đã dự kiến
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đưa ra là, phấn đấu đến năm 2020, hỗ trợ 48 địa phương khó khăn về ngân sách có thêm nguồn lực tăng cường giải ngân phần vốn nước ngoài (khoảng 54.000 tỷ đồng) của các nhà tài trợ quốc tế.
Tiếp tục bổ sung khoảng 6.976 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện hoàn thành 300 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Thực hiện các dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 thực sự quan trọng được ký kết hiệp định tài trợ; các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.024 tỷ đồng vốn đối ứng.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 10.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (điều chỉnh tăng thêm khi có dự án ODA khởi công mới được ký kết và khi có nguồn phù hợp theo quy định).
Tại Chương trình nêu rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối ứng từ ngân sách trung ương của Chương trình thực hiện theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình là xác định và dự kiến đủ vốn đối ứng ODA trong cả vòng đời dự án và bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng dự án theo cam kết.
Xây dựng kế hoạch vốn đối ứng ODA hàng năm cho từng dự án theo nguyên tắc không vượt quá mức vốn trung hạn đã dự kiến, bố trí đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện dự án ODA, nhưng không vượt tỷ lệ được hỗ trợ theo quy định.
Bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng hoàn thành dứt điểm dự án theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, đánh giá chặt chẽ tính hiệu quả vốn đối ứng bố trí hỗ trợ cho 300 dự án chuyển tiếp từ 2011 - 2015, chấm dứt dự án không hiệu quả.
Về cơ chế huy động và sử dụng vốn đối ứng ODA, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình chỉ đảm bảo một phần cho các dự án ODA do địa phương quản lý.
Quá trình thực hiện, các địa phương phải chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy ðộng các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình, bảo đảm cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được quyết định; sử dụng và quản lý nguồn vốn đúng mục đích, đúng quy định nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và giải ngân kịp thời nguồn vốn ODA cho từng dự án.
Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy điều hành Chương trình từ Trung ương đến địa phương; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý Chương trình ở Trung ương và địa phương; cơ chế phối hợp vận động và sử dụng vốn ODA làm cơ sở xác định cơ chế tài chính, trách nhiệm quản lý, thực hiện các dự án ODA; xây dựng kế hoạch bố trí vốn đối ứng, trong đó phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp...


Trước đó, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 7 năm nay, Việt Nam chính thức sẽ phải vay ODA với lãi suất cao hơn và thời hạn ngắn hơn so với trước đây.
Trong những năm qua, có đến 98% khoản vay của Việt Nam là vay ODA và ưu đãi. Giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, với chi phí vay 0,7-0,8%/năm bao gồm thời gian ân hạn.
Nhưng giai đoạn 2011-2015, thời gian vay bình quân chỉ còn 10-20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển sang chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2-3,5%.
Cũng theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã huy động được trên 26,5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, bổ sung nguồn lực quan trọng cho ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn này chiếm 2,8% GDP, bằng 8,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 47% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước./.
Trí Dũng
http://kinhtevadubao.vn/