Hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ về cung ứng gỗ hợp pháp
- Thứ sáu - 07/09/2018 05:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả và chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế” được trợ bởi Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) trong thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 9/2019. Dự án sẽ giúp xác định các tổ chức xã hội có thể tham gia vào các hoạt động giám sát độc lập nhằm yêu cầu các các cơ quan được chỉ định thực hiện Hệ thống phân loại doanh nghiệp (OCS) giải trình và đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống.
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu dự án với các bên liên quan; tham vấn ý kiến, báo cáo đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội và các hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai và Lập kế hoạch hoạt động chi tiết cho các thời kỳ tiếp theo của dự án.
Trước đó, ngày 11/5/2017, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký tắt hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT), kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 06 năm. Văn bản VPA đã được công bố rộng rãi và ngành Lâm nghiệp sẽ cải tiến khung pháp lý về quản lý bảo vệ rừng, tăng cường năng lực của địa phương trong thực thi lâm luật, quản trị rừng và đảm bảo tính hợp pháp của gỗ để xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) đang xây dựng một Nghị định riêng về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), trong đó Hệ thống phân loại doanh nghiệp (OCS) sẽ được thiết kế chi tiết và hướng dẫn thực thi.
Tiến sĩ Josil P.Murray - đại diện tổ chức FAO trình bày tại hội thảo |
Tại hội thảo, Tiến sĩ Josil P.Murray - đại diện tổ chức FAO đã khái quát, giới thiệu về gỗ bất hợp pháp; các quy định bắt buộc và tự nguyện quốc tế về khai thác gỗ trái phép; các luật pháp quốc tế về cấm thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ bất hợp pháp... Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam tóm tắt một số điểm quan trọng của hiệp định VPA/FLEGT tác động đến doanh nghiệp gỗ (quản lý gỗ nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, cấp phép FLEGT). Đánh giá sơ bộ về hoạt động gỗ hợp pháp tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai; cách tiếp cận của dự án và vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, giúp các doanh nghiệp nhỏ đáp ứng với các nhu cầu mới; trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến dự án...
Được biết, hiện Việt Nam có khoảng 4.800 doanh nghiệp và khoảng 2.000 hộ kinh doanh tham gia vào thương mại và chế biến gỗ. Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp để đảm bảo những doanh nghiệp này có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng gỗ trong nước và quốc tế. Thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, dự án mong muốn góp phần hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Hệ thống phân loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống phân loại, năng lực của các tổ chức xã hội cũng sẽ được nâng cao để có thể thực hiện giám sát độc lập hệ thống phân loại này trong tương lai. Dự kiến dự án cũng sẽ xây dựng và đề xuất các cơ chế giám sát bởi các tổ chức xã hội và góp phần thiết kế hay thực hiện các cơ chế của VPA như Đánh giá độc lập, Cơ chế khiếu nại và Công bố thông tin được nêu ra trong hồ sơ Hiệp định.