Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung, rõ đối tượng
- Chủ nhật - 30/10/2016 04:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này lại luôn ở tình trạng "lép vế" do "yếu và thiếu đủ thứ".
Điều này đòi hỏi cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhất quán, toàn diện, thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đóng góp 31% tổng số thu ngân sách, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển của khu vực doanh nghiệp này như: tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các chương trình hỗ trợ, số còn lại hầu như không biết và không tiếp cận được các chính sách này.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ chưa được doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác một cách hiệu quả.
"Chính sách ban hành rất nhiều nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như vẫn chỉ thấy đấy là hành lang, là khuôn khổ để mình có thể đi trên con đường đó một cách thuận lợi, nhưng liệu hành lang đó có phù hợp hay không lại là việc khác. Cần phải chuyển hóa tất cả những chính sách, nguồn lực, giải pháp thành những giải pháp thật cụ thể ở cấp doanh nghiệp cho doanh nghiệp có thể áp dụng, vận dụng được", PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân nêu rõ.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn tản mạn, hiệu quả chưa cao, mang tính chất hành chính. Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, thiếu sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương nên hiệu quả hỗ trợ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện mới tập trung hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Tô Hoài Nam cho rằng, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để doanh nghiệp được thụ hưởng.
"Về mặt nguồn lực hỗ trợ, không nên hỗ trợ nhỏ giọt theo cách chia chặn từng năm một – điều đó không tạo ra được sự biến chuyển. Chính sách phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không nên dập khuôn mà xây dựng chính sách, chương trình, dự án phải theo nhu cầu của doanh nghiệp, tức là đặt vấn đề cầu của doanh nghiệp lên rồi mới làm chính sách cho phù hợp", ông Nam đề xuất.
Trước thực tế này, Dự thảo dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã cho thấy, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự luật này sẽ là khung khổ pháp lý cao nhất và mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, giúp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia.
Ngoài việc xác định các biện pháp hỗ trợ căn bản, như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh, dự thảo Luật sẽ xây dựng các chương trình, mục tiêu trọng điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng trong nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, Luật này thể hiện rõ hơn quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, có sự định hướng, ranh giới rõ ràng doanh nghiệp nào trong diện xem xét được hỗ trợ mà không phải cào bằng.
Mặt khác, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước phải xây dựng các kế hoạch cũng như là các chương trình hành động của mình để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời là cơ hội để cho các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước có cơ hội để tham gia vào cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng và sứ mạng của họ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tới năm 2020 nước ta có 1 triệu doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh quốc tế thì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thật rõ ràng và có tính khả thi. Do đó, kỳ vọng dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy hộ kinh doanh hiện có thành các doanh nghiệp và hộ kinh doanh bài bản hơn.
Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV hiện được nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp và họ mong muốn Luật được thông qua, để các doanh nghiệp này có cơ sở pháp lý nhận được sự hỗ trợ để phát triển vững mạnh hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay./.
Theo vov.vn