Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất để giữ vững thị phần xuất khẩu
- Thứ sáu - 26/01/2018 06:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 25-1, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã tổ chức họp bàn về giải pháp phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm năm 2018.
Tại cuộc họp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, năm 2017, nền nông nghiệp trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như giá nông sản, thực phẩm, nhất là thịt heo giảm mạnh, tác động tiêu cực đến chăn nuôi và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và ngành chế biến thực phẩm.
Cùng với đó, chi phí đầu vào tăng cao và sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước ngày càng gay gắt hơn với doanh nghiệp trong khu vực, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như điều, cà phê, rau củ quả, trà… vẫn duy trì ở mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, so với năm 2016, nông sản xuất khẩu đạt gần 19 tỷ USD, tăng 15,7%, thủy sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 18%, rau quả đạt hơn 3,5 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Sản phẩm nông thủy sản Việt Nam đã mở rộng tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, 28 nước châu Âu, Thái Lan…
Trong năm 2018, để có thể nắm chắc được lợi thế phát triển, lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đề nghị doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Đồng thời, khắc phục thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có kết hợp với vấn đề sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện doanh nghiệp dễ tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất để giữ vững thị phần xuất khẩu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là sản phẩm cung ứng trong hệ thống trường học, KCX - KCN.