Hỗ trợ đồng bộ và thiết thực

Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp trong năm tháng đầu năm 2015 tăng trưởng thấp hơn do thiên tai khắc nghiệt và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngoài hạn hán ở nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cả nước có 11 nghìn ha lúa và 3.600 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm cả về sản lượng và kim ngạch, nặng nề nhất là xuất khẩu cà-phê giảm 39,6% về lượng và giảm 38,2% về kim ngạch; gạo giảm 7,4% và giảm 10,7%. Những người nuôi cá tra và tôm xuất khẩu cũng đang gặp bất lợi vì giá giảm, không ổn định, trong khi rào cản kỹ thuật và chi phí đầu vào như điện, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho tôm có xu hướng tăng lên. Ðầu ra khó khăn cũng đã, đang và sẽ còn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu, vững chắc cho nhiều nông sản phổ biến khác, như: dưa hấu, vải thiều, ớt, khoai, sắn...

 

Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội. Trong tháng 5-2015, cả nước có 50.600 hộ với hơn 203 nghìn người thiếu đói. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 23,1%; số người thiếu đói tăng 12,4%.

Trong những tháng còn lại của năm 2015, tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, diễn biến khó lường; phần nào sẽ tác động đến nước ta, nhưng tình hình KTXH trong nước có triển vọng chung khá sáng sủa, nhất là khả năng thực hiện được các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra cho năm 2015. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các chỉ tiêu năm 2015, nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại...

Theo tinh thần đó, việc lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn vừa họp bàn với Bộ Công thương về việc xây dựng, hình thành Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng - Lạng Sơn để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, dự kiến tổng mức đầu tư 986 tỷ đồng, là một hướng đi đúng đắn, kịp thời, giúp tăng cơ hội thuận lợi và giảm nhẹ thiệt hại cho xuất khẩu nông sản, nhất là cho gần 100% lượng dưa hấu và khoảng 70% lượng vải thiều xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, đang vận chuyển qua cửa khẩu này. Cùng với mục tiêu gỡ khó đầu ra cho nông sản, đáng hoan nghênh là hải quan và công an một số cửa khẩu đã có nhiều cố gắng thương thảo với các đối tác nhập khẩu về thủ tục, thời gian thông quan và mở rộng "cửa" cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Về dài hạn, cần thêm nhiều giải pháp từ phía nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong hỗ trợ nông dân đổi mới giống cây, con; chủ động tưới tiêu và bảo vệ môi trường; giảm chi phí giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh và chi phí "đầu vào"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từ quy trình trồng, chăm sóc, đến thu, hái, chế biến và bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ, bảo đảm và cải thiện chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu và phát triển các chuỗi cung ứng và liên kết bốn nhà, tạo đầu ra vững chắc cho nông sản và ổn định thu nhập cho nông dân...

Thực tế cho thấy, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập sâu và đầy đủ trong kinh tế, càng cần có sự chấn chỉnh lại, đổi mới cách nghĩ, cách làm để chủ động hỗ trợ nông nghiệp thiết thực, đồng bộ và hiệu quả hơn; phát triển nông nghiệp bền vững hơn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

TS NGUYỄN MINH PHONG
Theo  nhandan.org.vn