Hỗ trợ lãi suất: Cứu ngành chăn nuôi

Giá thức ăn chăn nuôi luôn đứng ở mức cao, giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, các loại dịch bệnh như tai xanh, cúm gia cầm luôn rình rập… đó là lý do khiến người chăn nuôi phải giảm đàn thậm chí "treo” chuồng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần cho biết, nếu không có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả ngay từ bây giờ thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vào những tháng cuối năm là rất lớn
Từ đầu năm tới giờ giá thịt lợn liên tục giảm trong khi đó sản phẩm đầu vào là thức ăn chăn nuôi lại giảm không đáng kể Ảnh: Hoàng Long
Nhiều tác nhân gây khó
 
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2,6 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn và thịt gia cầm chiếm hơn 90%. Mặc dù đến thời điểm này ngành chăn nuôi vẫn cung cấp đủ hàng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, song có rất nhiều lý do khiến các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại quyết định giảm đàn thậm chí ngừng sản xuất vì càng nuôi càng thua lỗ.
 
Ông Nguyễn Bá Thăng một chủ hộ chăn nuôi lợn ở thị xã Sơn Tây cho biết: Từ đầu năm tới giờ giá thịt lợn liên tục giảm trong khi đó sản phẩm đầu vào là thức ăn chăn nuôi lại giảm không đáng kể, còn các trang thiết bị chăn nuôi, thuốc thú y, điện, nước thì không hề giảm... đó là lý do khiến nhiều hộ chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn. Không những thế rất nhiều dịch bệnh luôn rình rập ngành chăn nuôi cướp đi mồ hôi công sức của nông dân bất kỳ lúc nào. Ngoài những lý do trên có một lý do khác cũng làm các hộ chăn nuôi trên cả nước điêu đứng đó là thông tin chất tạo nạc, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Quá nhiều cái khó khiến nhiều hộ gia đình quyết định tạm ngừng sản xuất mà không có ý định tái sản xuất. Ngay tại "thủ phủ chăn nuôi” vùng Sơn Tây (quy mô 420 trang trại), mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn con lợn, hàng triệu con gia cầm thương phẩm, hiện nay các hộ chăn nuôi đã phải giảm tới 30% đàn lợn, 40% đàn gia cầm.
 
Theo Bộ NN&PTNN, hiện ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm liên tục sụt giảm và giảm mạnh từ giữa tháng 3 đến nay. Trong đó, ba nhóm giảm nhiều nhất là thịt lợn, thịt và trứng gia cầm: thịt lợn hơi giảm từ 17 đến 20%, thịt gia cầm từ 12 đến 26% và trứng gia cầm giảm từ 38 đến 45%. Tại các địa phương phía Bắc, bình quân giá thịt lợn siêu nạc còn 42.200 đồng/kg hơi, lợn lai nuôi trong các hộ gia đình khoảng 37.800 đồng/kg; gà công nghiệp lông trắng từ 24 đến 25 nghìn đồng/kg, gà lông mầu còn 40 nghìn đồng/kg; tại miền Nam, giá thịt lợn xuất chuồng ở các trang trại bình quân còn khoảng 39.700 đồng, gà lông trắng là 27 nghìn đồng/kg. Trứng gà công nghiệp bán tại chuồng từ 1.700 giảm xuống còn 1.150 đồng/quả; trứng vịt thương phẩm từ 2.400 đồng giảm xuống còn 1.750 đồng… Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra vào giữa tuần trước, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần khẳng định, nếu các cơ sở chăn nuôi tiếp tục thua lỗ lớn như hiện nay họ sẽ thu hẹp lại sản xuất hoặc "treo chuồng” thì chỉ cần bốn tháng nữa chúng ta sẽ thiếu thực phẩm và câu chuyện nhập khẩu thực phẩm có thể sẽ tái diễn nếu không có giải pháp hữu hiệu ngay từ bây giờ.
 
Hỗ trợ kịp thời
 
Cục phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết, giải pháp được cho là hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại đã được Bộ đưa ra đó là gói "giải pháp cứu trợ” ngành chăn nuôi thông qua hỗ trợ lãi suất. Qua điều tra của ngành Nông nghiệp cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 trang trại trong tổng số 9.000 trang trại lớn đang rất cần vay vốn để đáo nợ, giãn nợ cho các khoản vay cũ và tiếp tục đầu tư sản xuất. Vì vậy, để gỡ khó về tín dụng cho các hộ chăn nuôi, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cho các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, cần linh động cho phép các doanh nghiệp, trang trại, các hợp tác xã dịch vụ trong lĩnh vực chăn nuôi (không phân biệt vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn) được hưởng chính sách theo quy định của Nghị định số 61/2010/NÐ-CP về việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ðồng thời áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống ép giá bán đối với người chăn nuôi và thực hiện chính sách kích cầu một số mặt hàng thực phẩm chính, trong đó có thịt lợn, thịt và trứng gia cầm...
 
Để khắc phục khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến ngay trong tuần này nắm rõ những khó khăn về giá cả, tiêu thụ cũng như tìm ra những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển. Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp các ngành cũng như sự nỗ lực của ngành chăn nuôi dự báo 4 tháng nữa sẽ thiếu thực phẩm sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực
Theo http://daidoanket.vn