Hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 02/03/2017 21:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, đến cuối năm 2016 TPHCM có 54 trong tổng số 56 xã thuộc 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hai xã chưa đạt là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh. Thành phố có 3 huyện là Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn vốn huy động và vốn đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản từ khi thực hiện chương trình đến cuối năm 2016 đạt gần 11.163 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ cộng đồng đạt hơn 3700 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Phước Trung thu nhập bình quân tại 56 xã xây dựng nông thôn mới hiện nay khoảng 41,5 triệu đồng/người/năm.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn là do được quan tâm phát triển sản xuất, gia tăng giá trị ngành nông nghiệp. Nguồn lực đầu tư trong dân được huy động nhiều nhất là từ các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố.
Kết quả phân tích cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ sẽ huy động được 28 đồng vốn trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo các chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố. Trong đó, tiền ngân hàng là 17 đồng, còn lại của người dân và doanh nghiệp đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới Lê Thanh Liêm yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, phải xác định nông thôn mới là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Các đại biểu thăm quan gian hàng nông sản sạch tại hội nghị |
Kết luận Hội nghị Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới Tất Thành Cang khẳng định mục tiêu lớn nhất của xây dựng nông thôn mới là phải làm sao nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn một cách bền vững.
Do vậy, phải tập trung mọi nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu, cây trồng vật nuôi, giúp người dân thoát nghèo. Tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng sản xuất sạch, tránh gây ô nhiễm, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Có như vậy mới tạo được cảnh quan môi trường trong lành. Do thế mạnh của thành phố là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nên tổ chức sản xuất phải gắn liền với lợi thế sản xuất, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
các tổng công ty lớn của thành phố và các đảng ủy cấp trên cơ sở đã ký kết hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới” |
Để việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, ông Tất Thành Cang yêu cầu 5 bí thư huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) phải trực tiếp chỉ đạo tại địa bàn và phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phù hợp với tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất gắn với liên kết, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân.
Tại Hội nghị, 19 quận, các tổng công ty lớn của thành phố và các Đảng ủy cấp trên cơ sở đã ký kết hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).
Trần Toàn
Trao đổi với pv Tạp chí Nông Thôn Việt bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm, cho biết Ban chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng nông thôn mới vừa có văn bản gửi 5 huyện trong đó nhấn mạnh: Rà soát lại tất cả cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa TPHCM một cách hiệu quả. Có các cơ chế thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học-công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng nông thôn thành phố. Từ đó, tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm… Một vấn đề quan trọng nữa là, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình, gắn kết chặt chẽ giữa chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư về cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa. Công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua. |
Nguồn: nongthonviet.com