Hỗ trợ nguồn vốn cho 15.000 HTX kiểu mới

HTX đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 HTX.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm vườn ươm hoa lan tại Lâm Đồng. Ảnh: VGP

Ngày 18-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020. Hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 6-2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua phân loại HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy, số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (với 1.115 HTX); 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX); 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX).

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, HTX đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 HTX.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt ra không chỉ đặt vấn đề số lượng mà nhấn mạnh đến chất lượng, để có 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả phải phấn đấu rất gian khổ. Theo đó, phải tiếp tục củng cố và gia tăng chất lượng của 4.400 HTX đang hoạt động hiệu quả, trong đó có 1.500 HTX phải đi vào ứng dụng công nghệ cao. Các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém thì đến năm 2020 phải hoạt động có hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trước đây kinh tế hộ đã có thời kỳ “vàng son” và giúp cho nông nghiệp phát triển vượt bậc, nhưng bây giờ sức sống của kinh tế hộ cần có mô hình theo kiểu mới là mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới. Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt. Do đó, thành lập HTX là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết HTX với nông dân, các nhà khoa học. Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách và vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN-PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các HTX, tạo điều kiện để các HTX có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.


Cùng ngày, tại TP Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị, bàn các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mục đích của hội nghị nhằm cung cấp những thông tin về tình hình thương mại nông sản giữa hai nước, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản, đồng thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp hai bên trong việc xuất - nhập khẩu nông sản.

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 6-2018, đã có 20 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Một trong những thị trường lớn và là thị trường truyền thống nhập khẩu nông sản của Việt Nam là Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Việt Nam, đặc biệt đối với trái cây và thủy sản. 

Tuy nhiên theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn. Một số loại nông, thủy sản Việt Nam có thế mạnh chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu như măng cụt, sầu riêng, chanh leo, heo sống, sản phẩm sữa, cá đồng, nghêu... Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Theo đó, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại với năng lực kiểm định không thua kém các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Vì vậy, trước xu hướng quản lý hiện nay của phía Trung Quốc, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường này chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN. 

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu. Do đó, để giữ vững uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc; thay đổi phương thức bảo quản; cam kết khắc phục không để vi phạm đối với những lô hàng tiếp theo…

PHÚC HẬU/sggp.org.vn