Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Bạch Thông

Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Bạch Thông
Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những năm qua huyện Bạch Thông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập.

Nhiều mô hình thiết thực.

Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống cho người dân nên huyện đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện, trong đó coi trọng việc vận động, khuyến khích người nông dân mạnh dạn, năng động trong phát triển kinh tế bằng các mô hình thiết thực, phù hợp để nâng cao thu nhập. Chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách hỗ trợ máy móc nông nghiệp giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất. Thực hiện liên kết với doanh nghiệp tổ chức trồng và bao tiêu sản phẩm như cây thuốc lá, cây dưa bao tử. Do đó, hiện nay ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các địa phương còn xây dựng đề án phát triển sản xuất, trên cơ sở phát huy thế mạnh về đất đai, nguồn lao động và các cây trồng chủ lực của địa phương.

Mô hình trồng rau xanh an toàn ở xã Cẩm Giàng đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng rau xanh an toàn ở xã Cẩm Giàng đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

 Để nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới, huyện đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp nhận và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế điểm để nhân dân học tập và làm theo. Đồng thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông nghiệp cho nông dân, nhằm từng bước tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập. Từ năm 2014 đến nay huyện đã xây dựng  khá thành công các mô hình kinh tế như: Mô hình chăn nuôi lợn nái móng cái thuần, nuôi gà an toàn sinh học, trồng cây ăn quả, rau an toàn, khoai tây vụ đông, trồng hoa, thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến kỹ thuật. Qua đánh giá thực tế cho thấy các mô hình này đều phát huy hiệu quả kinh tế, người dân có thêm thu nhập.

Anh Mông Thanh Nho, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng là một trong 18 hộ được lựa chọn để thực hiện điểm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Theo đó, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, hộ của anh được hỗ trợ 100% con giống, 50% thức ăn, thuốc thú y và tập huấn khoa học kỹ thuật. Bắt tay vào thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn, tuy nhiên được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã anh đã có kiến thức trong chăn nuôi, anh duy trì tổng đàn khoảng 100 con gà với tỷ lệ sống đạt 90%, bình quân cứ 2kg/con là anh xuất chuồng. Anh Nho cho biết: với giá bán 90.000/kg thì anh có lãi 50.000đồng/con, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Được biết, năm 2014 xã Cẩm Giàng được tỉnh trực tiếp phân bổ vốn 300 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, theo đó địa phương đã triển khai thực hiện mô hình trồng hoa cúc, rau xanh an toàn, chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học…Các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế, đơn cử mô hình trồng hoa cúc được thực hiện với quy mô 1.000m2, cho thu nhập 42 triệu đồng, trừ chi phí được lãi hơn 25 triệu đồng.

Cẩm Giàng là địa phương có truyền thống sản xuất rau xanh các loại, vì vậy năm 2014 xã triển khai mô hình trồng rau an toàn trên quy mô 5.0002 với các loại rau như bắp cải, su hào, súp lơ xanh, cải ngọt, sản lượng đạt hơn 8 tấn rau các loại, giá trị kinh tế đạt 102 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế tính cho 1.000m2 là hơn 20 triệu đồng, trừ hết chi phí được lãi gần 14 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa, nhờ đó đời sống người dân ổn định hơn.

Cần nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Có thể nói, sau nhiều năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đời sống của người dân trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng tại các xã vùng sâu, vùng xa tình trạng sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác còn chưa triệt để. Mặt khác thị trường tiêu thụ cho sản phẩm không ổn định, giao thông đi lại khó khăn khiến cho nông sản làm ra thường bị ép giá, người dân thiệt thòi, thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất cũng là một trong nhiều trở ngại khiến cho việc tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế còn hạn chế, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Vì vậy, để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo của huyện đã xây dựng lộ trình và các giải pháp thực hiện phù hợp, cụ thể. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán canh tác của nhân dân hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện cũng đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ nhân dân trồng và bao tiêu sản phẩm nông sản với loại cây trồng là thuốc lá và dưa chuột bao tử.

 Năm 2015, huyện được phân bổ 500 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển 1 đến 2 sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, huyện đã phân bổ cho các xã Quang Thuận, Sỹ Bình, Mỹ Thanh để phát triển mô hình trình diễn cây ăn quả, rau trái vụ, hồng không hạt, nuôi dê hàng hóa. Song song với đó, huyện Bạch Thông còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án của tổ chức Phi chính phủ Childfun để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn kỹ thuật, xây dựng kênh mương thủy lợi nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân.

Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phù hợp, thiết thực nhằm duy trì và phát triển rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo ra lượng hàng hóa lớn có giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao đời sống của người dân, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương tình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Theo: baobackan.org.vn