Hòa Bình: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020

Hòa Bình: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020
UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành văn bản về việc thực hiện xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm xây dựng dự án tại các huyện, thành phố để phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh tế hợp tác, HTX và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Mô hình trồng ớt theo chuẩn liên kết ở xã Lạc Long, Lạc Thủy cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Mô hình tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị được xây dựng và phát triển theo hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp từ khâu sản xuất (đảm bảo đầu vào) đến khâu tiêu thụ (đảm bảo đầu ra) có tiềm năng, khả năng duy trì, nhân rộng và phát triển đem lại lợi ích lâu dài cho các bên tham gia chuỗi liên kết.

Sản phẩm của dự án phải là sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, ổn định; nằm trong quy hoạch, đề án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có tiềm năng phát triển tạo thành vùng, liên kết vùng sản xuất tập trung. Các bên tham gia dự án liên kết theo chuỗi giá trị phải cam kết, đảm bảo trách nhiệm, yêu cầu về tài sản, vật tư, thiết bị, lao động và nguồn vốn đối ứng khi tham gia thực hiện dự án…

Đối tượng thực hiện các hoạt động hỗ trợ là doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, trang trại, hộ gia đình, cá nhân.

Các nội dung hỗ trợ của chương trình gồm: Đối với dự án xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới sẽ hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, bao gồm: chi phí khảo sát đánh giá chuỗi giá trị, tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng quy trình kỹ thuật (sản xuất, chế biến, bảo quản), đánh giá thị trường, lập phương án và hỗ trợ phát triển thị trường. Tiền thuê đất để tích tụ ruộng đất, lãi suất vay ngân hàng. Đầu tư điện nước, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm, hệ thống xử lý chất thải. Đầu tư về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nâng cao nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực quản lý hợp đồng và phát triển thị trường. áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ. Xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Xúc tiến thương mại, quảng bá và mở rộng thị trường…

Đối với dự án củng cố, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có được hỗ trợ như đối với dự án xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới nhưng không được hỗ trợ về tư vấn xây dựng liên kết.

Theo Báo Hòa Bình