Hoài Đức: Diện mạo nông thôn mới đang định hình

Hoài Đức: Diện mạo nông thôn mới đang định hình
Nằm ở ven đô, Hoài Đức (Hà Nội) có tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự sáng tạo của người dân, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh an toàn, chất lượng cao đã hình thành. Đây cũng chính là tiền đề để phong trào XDNTM nở rộ ở nhiều địa phương, trong đó có Yên Sở, một trong những xã đầu tiên của Hà Nội cán đích NTM.

Xã điểm đã đạt điểm

Cách đây gần 2 năm, Yên Sở được chọn là xã điểm XDNTM của huyện Hoài Đức. Khi bắt đầu triển khai, địa phương gặp nhiều khó khăn do người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, đường làng ngõ xóm mặc dù đã được bê-tông hóa nhưng vẫn chật hẹp, trường học cả 3 cấp đều chưa đạt chuẩn... Xác định XDNTM là cơ hội để Yên Sở có thể chỉnh trang diện mạo, tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội, ban lãnh đạo từ huyện xuống xã đều đặt quyết tâm cao thực hiện chương trình.

Trước khi trình huyện phê duyệt dự án, có 2 tiêu chí tưởng chừng khó khăn nhất là thu nhập của người dân và tỷ lệ hộ nghèo thì đến nay, 2 tiêu chí này đã hoàn thành. Tổng giá trị sản xuất của toàn xã năm 2012 đạt 279,2 tỷ đồng, tăng 5,76% so với năm 2011; thu nhập bình quân 27,24 triệu đồng/người. Cuối năm 2009, toàn xã có 119 hộ nghèo (4,76%) nhưng đến nay chỉ còn 72 hộ (2,84%). 

Diện tích đất canh tác của xã có 310,97ha, được quy hoạch thành 2 khu vực gồm vùng đồng trồng lúa và vùng bãi ven sông Đáy (180ha) để trồng rau màu. Xã có sự phân công lao động khá hiệu quả với 20% lao động làm nông nghiệp nhưng đa phần đều là những nông dân có vốn, có kinh nghiệm đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như phật thủ, cam Canh với giá trị thu nhập từ 600 triệu đồng đến cả tỷ đồng/ha. Hơn 60% lao động tại xã đã được chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia xây dựng dân dụng tại các công trình lớn trên địa bàn thành phố. 

1.347 tỷ đồng XDNTM

Hoài Đức có khoảng 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, trong khi 70% đất đai đã và đang được chuyển đổi mục đích sử dụng vì thế khi bước vào XDNTM, huyện xác định phải tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do vậy, Hoài Đức xác định vùng ven sông Đáy với diện tích quy hoạch khoảng 2.100ha thuộc các xã Tiền Yên, Đắc Sở, Yên Sở, Đông La…được đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Năm 2012, giá trị thu nhập bình quân toàn huyện đạt 170 triệu đồng/ha với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: hoa lan thu 200 triệu đồng/sào/năm; cam Canh, phật thủ thu trên 600 triệu đồng/ha…

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Vương Duy Hướng cho biết, qua 2 năm thực hiện XDNTM, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.347 tỷ đồng. Đã bê-tông hóa được 185,3km đường giao thông nông thôn; đầu tư mới và cải tạo 99 công trình thuộc 3 cấp học, 83 nhà văn hóa… Nhân dân các xã đã đóng góp 2.450 ngày công, hiến 12.809m2 đất, xây dựng 5 công trình và 1,2 tỷ đồng là vật tư, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, hàng năm huyện đầu tư kinh phí trên 2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp để nâng cao kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hiện, thu nhập bình quân toàn huyện ước đạt 29,4 triệu đồng/người. 

Ngoài Yên Sở, địa phương đạt 19/19 tiêu chí XDNTM, nhiều xã cũng đạt kết quả khả quan như An Khánh, La Phù, Đông La, Di Trạch đạt 14 - 18 tiêu chí; 9 xã khác đạt từ 10 - 13 tiêu chí, chỉ còn 4 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Hiện, 100% số xã đã được phê duyệt xong quy hoạch XDNTM. Kinh phí hỗ trợ cho công tác lập quy hoạch đạt 9 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, bình quân mỗi xã có 500 triệu đồng. Thông qua cuộc vận động toàn dân chung sức XDNTM do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phát động, đến nay, đã có 9 doanh nghiệp cam kết tham gia ủng hộ số tiền trên 7 tỷ đồng và 1 đơn vị tư vấn miễn phí giúp 2 xã lập quy hoạch XDNTM với số tiền gần 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ triển khai các dự án thành phần của các xã XDNTM giai đoạn 1 của Hoài Đức vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là các dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nguồn lực XDNTM chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư của thành phố, huyện. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn XDNTM chậm do trình tự thủ tục để thu hồi đất phục vụ đấu giá chưa được đơn giản hóa, thị trường bất động sản đóng băng. Công tác dồn điền đổi thửa gặp khó khăn do giá trị đất đai ở các vị trí có sự chênh lệch lớn...

Bạch Thanh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn