Hoài Đức hoàn thành chỉ tiêu huyện nông thôn mới

Hoài Đức hoàn thành chỉ tiêu huyện nông thôn mới
Hiện có 19/19 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), đạt 100% số xã trong huyện, Hoài Đức đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ huyện NTM, cột mốc quan trọng để phấn đấu lên quận vào năm 2020.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 11,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của huyện đạt cao, trong đó một số chỉ tiêu thu đã đạt và vượt so với kế hoạch năm. Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 780 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

hoai duc hoan thanh chi tieu huyen nong thon moi
Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng thăm các hộ gia đình sản xuất. (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Về sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Đức đã có những đầu tư, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng hàng nông sản. Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở, Yên Sở; vùng trồng rau an toàn, chăn nuôi...

Cụ thể, vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540 héc-ta, gồm, vùng nhãn chín muộn 120 héc-ta, tại xã An Thượng, Đông La, Song Phương; Vùng trồng bưởi 230 héc-ta, trong đó, riêng tại xã Cát Quế đã được cấp giấy chứng nhận nhóm liên kết sản xuất bưởi an toàn…

Ngoài các vùng sản xuất này, huyện còn có vùng trồng cam, táo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị thu nhập của các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, như mô hình nhãn chín muộn đạt 500 triệu đồng/héc-ta, mô hình bưởi đường sớm cho 500 triệu đồng/ha, cây phật thủ đạt 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng/héc-ta, vùng rau an toàn thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/héc-ta/năm.

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Quang Đức – Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của huyện năm 2017 là 632,8 tỷ đồng, chủ yếu triển khai thực hiện các dự án liên quan đến xây dựng trường học, nhà văn hóa, công trình giao thông… Tổng giá trị thanh toán, giải ngân đến nay ước đạt 329,7 tỷ đồng, đạt 52,1% kế hoạch vốn giao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Đức, hiện Hoài Đức còn gặp một số khó khăn như việc cấp đất dịch vụ chậm; đối với vùng bãi, đề nghị thành phố sớm cắm mốc thoát lũ sông Đáy để người dân yên tâm sản xuất; huyện cũng đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị đã được phê duyệt, tránh lãng phí đất đai, gây bức xúc trong nhân dân và cho phép huyện lập đề án, có cơ chế phù hợp mở rộng vùng trồng rau an toàn; đồng thời, hỗ trợ huyện sớm hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện NTM.

Tại buổi làm việc với huyện Hoài Đức về công tác triển khai Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương huyện đã đạt được kết quả ấn tượng trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Thành công này đã đưa Hoài Đức trở thành một trong bốn huyện dẫn đầu thành phố trong xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì huyện Hoài Đức vẫn còn hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh, chuyên cư vẫn chưa hình thành nhiều...

Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện Hoài Đức cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đẩy mạnh lên cao trào trong để mọi người, mọi nhà, chính quyền xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của toàn dân.

Đồng thời tiếp tục rà soát, nâng cao các tiêu chí đã đạt được, nhất là về giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân... Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, an ninh vững vàng.

Đặc biệt, với những kết quả đã đạt được huyện Hoài Đức cần rà soát các chỉ tiêu để phấn đấu đến năm 2020 huyện cơ bản phát triển lên quy mô quận.

Theo Tuấn Dũng- Phương Bùi/laodongthudo.vn