Hoằng Hợp XDNTM: Từ xây dựng vùng chuyên canh rau VietGAP

Hoằng Hợp XDNTM: Từ xây dựng vùng chuyên canh rau VietGAP
Sau 4 năm áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ngành nông nghiệp xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) đã có những đột phá, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt.
Trở lại Hoằng Hợp sau 4 năm thực hiện mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là những ngôi nhà mái bằng kiên cố mọc lên san sát, những ruộng rau bạt ngàn xanh mướt... Từ đầu làng đã thấy xuất hiện cánh thương lái trả giá mua rau tấp nập, trên gương mặt bà con hiện rõ niềm phấn khởi khi rau nhà mình vừa được mùa, vừa được giá… 

Hoằng Hợp hiện có 45 hộ chuyên canh rau theo quy trình VietGAP, tập trung ở 2 thôn Phú Quý và Lộc Ất. Được sự chỉ đạo tận tình, sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là HTX nông nghiệp nên hầu hết các hộ trồng rau đều đạt năng suất cao và có thu nhập khá.

Ông Lê  Huy Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã có 4,5ha rau trồng theo quy trình VietGAP, trung bình mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Hoằng Hợp tiêu thụ 1 - 1,5 tấn rau, củ, quả các loại, giá trị thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/sào/vụ. Dự tính trong năm 2013, mở rộng diện tích trồng rau VietGAP lên 24,5ha và đến năm 2015 phát triển trồng rau VietGAP ra toàn xã”.

Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX Hoằng Hợp gần như phủ kín trên địa bàn tỉnh, trong đó nơi tiêu thụ chính vẫn là Siêu thị BigC, chợ Tây Thành, siêu thị Co.op Mart, các nhà hàng, bếp ăn lớn... Ước tính, trong năm 2012, mô hình rau VietGAP  mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng.

 Đến nay, thương hiệu rau an toàn Hoằng Hợp đã nổi tiếng khắp đất Thanh Hóa. Trong tương lai, HTX Nông nghiệp Hoằng Hợp sẽ liên kết với các vùng sản xuất rau an toàn ở một số tỉnh lân cận nhằm bình ổn mặt hàng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Tuy nhiên, việc tiêu thụ rau an toàn vẫn còn một số bất cập, bởi có sản phẩm rau quả sản xuất ra ế ẩm, nhưng cũng có  sản phẩm luôn cháy hàng”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, trước đây, nông dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, thu nhập bấp bênh, song từ khi mô hình trồng rau an toàn được triển khai, nhân rộng, bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại rau như bắp cải, mùng tơi, su su, đậu, cà rốt, hành, tỏi, xà lách…, do đó thu nhập tăng lên đáng kể.

Trên cánh đồng rau xanh mướt ở thôn Phú Quý, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thảo, vừa tưới rau, ông vừa vui vẻ cho biết: “Từ khi xã triển khai mô hình trồng rau VietGAP, gia đình đăng ký tham gia và sau 4 năm, kinh tế  khấm khá hơn hẳn. Nhờ trồng rau mà bình quân mỗi tháng, gia đình thu lãi gần 3 triệu đồng. Đặc biệt là sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu toàn bộ; ngoài ra, HTX còn hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thành lập các tổ tuần tra để đảm bảo an ninh, vì vậy chúng tôi rất yên tâm sản xuất”.

Cùng chung niềm vui với ông Thảo, bà Lê Thị Lan ở thôn Lộc Ất tâm sự: “Gia đình trồng 2 sào rau các loại, trừ chi phí, thu lãi 20 -  30 triệu đồng/năm. Trồng rau VietGAP tuy mất nhiều công sức, phải trải qua nhiều công đoạn nhưng đổi lại, năng suất và giá trị tăng cao nên bà con đang dần chuyển sang trồng rau an toàn. Năm nào được giá, có hộ thu tới cả trăm triệu đồng”.

Chủ trương mở rộng diện tích rau an toàn đã góp phần đẩy nhanh quá trình XDNTM ở Hoằng Hợp.


T.Tùng – N.Quỳnh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn