Hoằng Trường XDNTM từ khai thác lợi thế kinh tế biển

Những năm qua, cán bộ và nhân dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa vào tiềm năng, ­lợi thế của địa phương. Theo đó, Hoằng Trường đã đẩy mạnh lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thành quả sau những ngày ra khơi.

Hoằng Trường có cửa biển Lạch Trường - là đầu mối tập trung các loại hải sản từ các khu vực lân cận. Chính vì vậy, ngư dân tập trung đầu tư kinh doanh dịch vụ, phần lớn là dịch vụ hậu cần nghề cá như: sản xuất đá lạnh, sửa chữa nâng cấp tàu thuyền, cơ khí, vận tải hàng hóa, ngư lưới cụ và nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho sản xuất và chế biến thủy sản. Hiện, ­trên địa bàn xã có 709 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó phương tiện khai thác xa bờ 79 chiếc, công suất từ 165CV trở lên; phương tiện khai thác gần bờ 630 chiếc.

Khai thác và nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã không ngừng được mở rộng, đến nay đã đạt 26,5ha. Tổng sản lượng bình quân đạt 6.900 tấn hải sản/năm, trong đó khai thác 6.450 tấn, nuôi trồng 450 tấn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của Hoằng Trường tiếp tục thu được những kết quả tích cực, đạt giá trị 111,8 tỷ đồng, sản lượng khai thác đạt 2.870 tấn, đem lại giá trị 92 tỷ đồng. Từ nguồn khai thác dồi dào, nghề chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Hoằng Trường cũng phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện, Hoằng Trường có 11 cơ sở làm đá lạnh, 11 cơ sở bán ngư lưới cụ, 19 cơ sở chuyên thu mua sơ chế cá, 14 cơ sở chế biến sứa muối, 1 cơ sở sửa chữa tàu thuyền, 6 cơ sở cung cấp nhiên liệu cho tàu thuyền, 9 xe vận tải, 4 doanh nghiệp tư nhân, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Với tính chất đặc thù của vùng quê biển nên ở Hoằng Trường đã hình thành nghề đan lưới, thu hút nhiều lao động nữ. Công việc đan vá lưới đã trở thành nghề mang lại thu nhập khá ổn định cho chị em, bình quân đạt 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Trường.

Nghề chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá cũng góp phần tăng nguồn thu cho nhiều hộ gia đình. Đối với nghề thu mua, chế biến hải sản, hiện các cơ sở đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên hầu hết các sản phẩm sơ chế đều được bảo đảm đầu ra. Tính đến hết tháng 6 năm 2015, giá trị kinh tế từ nghề chế biến hải sản của xã đạt 25,1 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đường tiểu ngạch ước đạt 78 tỷ đồng. Dịch vụ hậu cần nghề cá đạt 16 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết: “Những năm tới, kinh tế biển vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của xã, đồng thời gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tập trung huy động tối đa nguồn lực và sử dụng có hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế biển.”

Với những kết quả ban đầu đạt được, Hoằng Trường đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới. Trên cơ sở đó, xã tiếp tục quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại chất lượng cao; có quy mô sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Tiếp tục quy hoạch mở rộng khu bến cá, xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chế biến hậu cần nghề cá. Tạo điều kiện cho các công ty, nhà đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, du lịch sinh thái biển; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ thương mại. Gắn sản xuất hàng hóa, thương mại với dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng phù hợp; chuyển đổi nghề lộng, phát triển nghề khai thác xa bờ. Vận động các hộ có điều kiện đóng tàu vỏ sắt công suất máy lớn, đa nghề khai thác thủy sản bằng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại, có giá trị kinh tế cao và bền vững. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đào tạo nghề cho lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hộ đa dạng, khuyến khích các hộ đầu tư khai thác thủy sản và mở các điểm dịch vụ hậu cần nghề cá, các điểm dịch vụ ẩm thực hải sản phục vụ du lịch.

Chuyển dịch lao động nông nghiệp, ngư nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi đảm bảo cho sản xuất và đời sống dân sinh; tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra. Khuyến khích phát triển các mô hình tổ hợp sản xuất, các doanh nghiệp trong nông nghiệp, ngư nghiệp, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển đa ngành nghề… Huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các dự án, các chính sách kích cầu của nhà nước, các nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đưa Hoằng Trường trở thành xã nông thôn mới điển hình.

Theo Như Quỳnh/kinhtenongthon.com.vn