Hóc Môn đạt chuẩn xã nông thôn mới

Hóc Môn là huyện ngoại thành phía Tây Bắc TPHCM, diện tích tự nhiên gần 11.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 60% diện tích. Huyện gồm 11 xã và 1 thị trấn, hơn 89.000 hộ với trên 396.000 người, trong đó, hơn 10.400 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 11,7%. Giai đoạn 2010 - 2012, Xuân Thới Thượng là xã điểm của TP về xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM), đạt 19/19 tiêu chí năm 2014; đến giai đoạn 2013 - 2015, trừ thị trấn và xã Trung Chánh do đô thị hóa, huyện nhân rộng việc xây dựng NTM ra 9 xã còn lại. Thời điểm đó, các xã mới đạt bình quân từ 5 đến 9 tiêu chí.

Ban chỉ đạo huyện nhận định, việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông thủy lợi, điện, chợ, bưu điện, trường học… cùng các cơ sở vật chất văn hóa là khâu đột phá trong xây dựng NTM, làm tiền đề giúp người dân có điều kiện phát triển cả sản xuất và đời sống văn hóa. Qua đó, các xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và sinh hoạt văn hóa của người dân cũng như nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Nhờ giao thông thuận tiện và chính sách mời gọi doanh nghiệp (DN) về huyện đầu tư, giúp hàng hóa người dân làm ra có sự kết nối dễ dàng với vùng nội thành của TP. Cả huyện có 382 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm giao thông, công trình thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, chợ...
Huyện còn vận động người dân, DN cùng chung sức xây dựng NTM như việc 6.946 hộ dân hiến 17,4ha đất và vật kiến trúc khác với giá trị gần 400 tỷ đồng trong làm đường giao thông nông thôn. Huyện đã thu hút trên 500 DN, người dân đến đầu tư phát triển kinh tế như tập trung phát triển 2 cụm công nghiệp với 35 DN và trên 5.100 lao động làm việc; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ có giá trị kinh tế cao cũng hình thành như chợ đầu mối nông sản… Toàn huyện hiện có 15 hợp tác xã, trong đó có 9 hợp tác xã nông nghiệp và 45 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao, từ đó xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp nông nghiệp đô thị như nấm, rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, kể cả bò sữa… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện bình quân đạt gần 20%/năm.
Khi bắt đầu triển khai đề án (năm 2012), các xã mới đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, đến tháng 12-2014 bình quân đạt 17 tiêu chí. Tháng 4-2015, được UBND TPHCM công nhận 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí. Hiện nay đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để trung ương vào xem xét và công nhận huyện NTM thứ 2 của TPHCM, trước đó là huyện Củ Chi.

 

Đăng Lâm
Theo: sggp.org.vn