Hội Nông dân Lâm Bình: Đa dạng mô hình phát triển kinh tế

TQĐT - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã thực hiện có hiệu quả nhiều dự án. Trong đó có dự án nuôi trâu, bò, lợn kết hợp xây dựng hầm bể biogas bằng vật liệu composit. Hội đã thẩm định và thi công hoàn thiện cho 80 hộ với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Nông dân xã Khuôn Hà chăm sóc cá lồng nuôi trên hồ thủy điện Tuyên Quang.            Ảnh: Ngọc Hưng
Năm 2014, Hội đã chủ động xây dựng được 4 dự án hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gồm: Dự án chăn nuôi cá thịt trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang thực hiện tại xã Khuôn Hà; Dự án nuôi trâu vỗ béo tại xã Bình An; Dự án chăn nuôi lợn thịt tại xã Lăng Can và Dự án nuôi lợn nái sinh sản tại xã Thổ Bình và Khuôn Hà. Ngoài việc thực hiện hiệu quả các dự án, Hội Nông dân huyện đã tín chấp các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Quỹ hỗ trợ Nông dân của Trung ương, tỉnh cho hơn 1.000 hộ nông dân vay trên 28 tỷ đồng để phát triển kinh tế. 

Tại xã Bình An, những năm trở lại đây việc chăn nuôi trâu, bò ngày càng phát triển cả về quy mô và số lượng. Các hộ chăn nuôi đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, có nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi theo hình thức trang trại từ 15 - 20 con trở lên. Việc đẩy mạnh chương trình chăn nuôi trâu, bò đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, do nguồn vốn của các hộ gia đình còn thiếu, việc đầu tư chưa tập trung nên chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi chưa cao, còn gặp nhiều rủi ro trong chăn nuôi.

Để tạo điều kiện giúp nông dân trong xã tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mở rộng chăn nuôi, sản xuất con giống tại địa bàn nâng cao thu nhập, khắc phục tình trạng thả rông gia súc, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hội Nông dân xã Bình An đã lập dự án đầu tư “Nuôi trâu vỗ béo bằng hình thức nuôi nhốt”. Đây là dự án do Hội nông dân huyện thực hiện nhằm góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân trong xã từ phương thức chăn nuôi truyền thống thả rông sang chăn nuôi theo phương pháp áp dụng khoa học, nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Triệu Phúc Thử, Trưởng thôn Tát Ten, xã Bình An chia sẻ: Dự án được thực hiện ngoài hiệu quả cao về kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp cho hộ hội viên nông dân phát triển kinh tế từng bước giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hơn nữa, dự án còn góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường ở trong thôn sạch sẽ.  

Tại xã Khuôn Hà, 2 năm qua, dự án chăn nuôi cá thịt trên vùng hồ thủy điện Tuyên Quang cũng đã thu được những kết quả tốt, bước đầu đã giúp các hộ gia đình nuôi cá có thêm nguồn thu nhập từ 10 đến 50 triệu đồng/năm, đặc biệt đã làm thay đổi phương thức chăn nuôi cá truyền thống sang nuôi cá theo phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cá thịt cho người nông dân. Từ những kết quả đã đạt được của dự án nuôi cá tại xã Khuôn Hà, từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân huyện Lâm Bình tiếp tục triển khai dự án nuôi cá rô phi thương phẩm theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường trên vùng hồ thủy điện Tuyên Quang với tổng nguồn vốn hỗ trợ 400 triệu đồng. 

Việc đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế đã giúp cho hội viên nông dân Lâm Bình vươn lên thoát nghèo, đồng thời thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia vào tổ chức hội, qua đó củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội nông dân ở cơ sở. 
Thái Dương
Theo: baotuyenquang.com.vn