Hội Nông dân góp sức đổi thay nông thôn mới ở Lạng Sơn

Hội Nông dân góp sức đổi thay nông thôn mới ở Lạng Sơn
Mười năm qua, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được hệ thống Hội ND tỉnh Lạng Sơn thực hiện đồng bộ với nhiều hình thức, nội dung phù hợp, đạt được những kết quả quan trọng; đồng thời, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng, hành động của hội viên, nông dân.

Các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp 32,776 tỷ đồng, hiến 656.318 m2 đất xây các công trình công cộng; đóng góp 1.463.580 ngày công tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM.

 hoi nong dan gop suc doi thay nong thon moi o lang son hinh anh 1

   Các cấp Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan và học tập mô hình kinh tế hiệu quả.  Ảnh: Hải Yến

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp tổ chức 1.360 cuộc tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho 35.210 lượt hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 776 lớp dạy nghề cho 20.964 lượt hội viên, nông dân.

Các cấp Hội còn xây dựng được trên 200 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả gồm: Nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp hội viên, nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Ngoài ra, các cấp Hội còn hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng 366 mô hình “Thôn bản xanh - sạch - đẹp”; “Thu gom rác thải”; “Xây lò đốt rác” “Đoạn đường nông thôn tự quản”... tại các thôn, bản. Trong 10 năm qua, có 116 tập thể và 163 cá nhân được Ban Chấp hành Hội ND tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM còn có những hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện xây dựng NTM ở một số nơi chưa đi vào chiều sâu; một số cán bộ hội ở cơ sở chưa nắm chắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong xây dựng NTM; nhận thức của một bộ phận hội viên nông dân về thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng NTM còn có những hạn chế nhất định, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; có lúc, có nơi chưa phát huy được hết nguồn lực và chức năng cho các cấp Hội để tổ chức hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là việc mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tiêu thụ nông sản.

Thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cụ thể, hướng về cơ sở; thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai, những khó khăn, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân…

Theo Hoàng Hải Yến/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây