Hội chợ Làng nghề 2018: Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề Việt Nam
- Chủ nhật - 18/11/2018 10:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với chủ đề "Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề Việt Nam hướng tới mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm hay mỗi làng một sản phẩm - OCOP", hội chợ trưng bày và giới thiệu phong phú nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo của các địa phương như: mỹ nghệ kim hoàn gồm vàng, bạc, đồng, khảm tam khí; gốm sứ, pha lê thuỷ tinh; điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa và các chất liệu khác; hoa khô, hoa lụa, hoa đất, hoa gỗ, hoa giấy, khảm trai, sơn son thiếp vàng, các loại sản phẩm và mô hình làng nghề, phố nghề… cùng một số sản phẩm nông sản chủ lực.
Khai mạc Hội chợ Làng nghề 2018 |
Phát biểu khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu và quảng bá Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai chương trình OCOP của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, là dịp quảng bá tuyên dương các làng nghề truyền thống của Việt Nam, qua đó thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, góp phần đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị kinh tế cao; khuyến khích các nghệ nhân, thợ thủ công và nhà sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống. Thông qua hội chợ sẽ góp phần thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm với quy mô mở rộng, khuyến khích phát triển tiềm năng văn hóa du lịch và ngành nghề nông thôn.
Ngay từ chập tối, Hội chợ đã tập trung nhiều người dân ở Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận đổ về thăm quan và mua sắm tại các gian hàng. Ông Nguyễn Văn Bình (quận Cầu Giấy) – chia sẻ: Thăm quan hội chợ thấy có mặt hàng khác nhau, phong phú về chủng loại, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Trong đó, trầm hương là sản phẩm khá độc đáo, mùi thơm sử dụng dễ chịu, tôi cũng có ý định mua về nhà để mọi người cùng dùng.
Còn theo bà Phạm Thị Vân (huyện Gia Lâm), các gian hàng trưng bày sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo, có tem nhãn đầy đủ. Mua sản phẩm ở đây cũng góp phần giúp địa phương duy trì và phát các làng nghề truyền thống và tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề.
Diễn ra từ nay đến ngày 21 tháng 11/11 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam, 489 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội, Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2018. Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra Hội thảo quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả triển khai Chương trình OCOP tại một số địa phương.
Theo kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Làng nghề tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn; lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.