Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Chương trình OCOP năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 khu vực phía Bắc
- Thứ ba - 04/02/2020 02:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình OCOP đến hết năm 2019, có 19 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chu trình OCOP, trong đó một số tỉnh triển khai nghiêm túc từ cấp huyện. Đã có trên 500 phương án, dự án sản xuất kinh doanh được đề xuất và được Nhà nước hỗ trợ triển khai, những nội dung hỗ trợ.
Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm, tăng 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm. Có 19 tỉnh đánh giá, phân hàng và có Quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP (đạt 33,16% so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 583 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đề xuất 5 sao. Các tỉnh chỉ đạo điểm đã khảo sát để xây dựng 10 Làng Văn hóa du lịch.
Về cơ bản, chương trình OCOP mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018) song đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ TW đến cấp tỉnh còn thiếu về số lượng, nhất là ở cấp tỉnh còn kiêm nhiệm nhiều nên ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo điều hành.
Trong năm 2020, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 như tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 1.200 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.400 sản phẩm, triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. Phấn đấu tổ chức Festival/Hội chợ OCOP Quốc gia, xây dựng Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020,…
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến tham luận về Bộ tiêu chí OCOP và xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý trong quá trình chấm điểm các sản phẩm của các xã cố gắng đến các sản phẩm tiềm năng. Đề nghị văn phòng điều phối địa phương thẩm định sớm nội dung kinh phí, các địa điểm du lịch. Triển khai quy chế chấm OCOP phải đảm bảo được hai yêu cầu là tiêu chuẩn chất lượng và sức mạnh của cộng đồng, xã hội.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc tìm và hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng là trách nhiệm của xã, thôn bản trong việc giúp hình thành sản phẩm. UBND các xã phải phát huy vai trò của mình. Thứ trưởng cũng đồng tình việc tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ ở các tỉnh và một cán bộ tư vấn tỉnh trong bối cảnh Chương trình vẫn thiếu vắng hoạt động tập huấn để hướng dẫn các bước từ triển khai đến hành động.
Theo NLA/mard.gov.vn