“Hội nghị Diên Hồng” tìm giải pháp phát triển bền vững cho ĐBSCL
- Thứ hai - 25/09/2017 21:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong 2 ngày 26-27/9, tại Cần Thơ – “thủ phủ” của ĐBSCL diễn ra Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL. Qua đó, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
ĐBSCL đã trở thành vựa lúa, tôm, cá, cây ăn quả của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, những năm qua, khu vực này cũng là một trong những vùng chịu sự tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu; ảnh hưởng trực tiếp đối với sản xuất và sinh kế, đời sống người của người dân. Vì vậy, Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” do Chính phủ tổ chức có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương vùng ĐBSCL; các nhà khoa học, chuyên gia các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại diện một số Đối tác Phát triển song phương quan tâm đến ĐBSCL, đại diện một số định chế tài chính quốc tế và tổ chức quốc tế là đối tác phát triển chính cho ĐBSCL sẽ định hướng rất lớn trong xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL phù hợp với quy luật tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nêu rõ: "Hiện nay các chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chính sách chỉ đạo sản xuất hay hỗ trợ để chuyển đổi mô hình sản xuất, hỗ trợ sản xuất hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu, tôi có cảm giác chính sách này quá chậm. Đến thời điểm này cũng chưa thấy rõ nét những chính sách, mà những chính sách này hết sức cần thiết. Chính phủ có những chính sách đột phá thì mới phát triển mạnh được và mới thích ứng với biến đổi khí hậu tốt được".
Theo đó, hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới mang tầm chiến lược, đột phá đồng thời đề xuất cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia của các bên. Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN và PTNT nhấn mạnh: "Trước cơ hội mới này, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng định hướng mới về mục tiêu. Như thế thì các giải pháp phải thay đổi, cơ sở hạ tầng phải thay đổi; cơ sở của nền sản xuất đa canh sẽ khác với cơ sở của nền sản xuất độc canh lúa. Hệ thống thủy lợi phải thay đổi, thủy lợi trước đây phục vụ lúa là chính, bây giờ thủy lợi phục vụ cho thủy sản. Toàn bộ những thay đổi đó làm cho bộ mặt ĐBSCL sẽ đa dạng hơn và chắc chắn sẽ vững bền hơn".