Hội nghị góp ý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)
- Chủ nhật - 05/01/2020 07:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết đồng chủ trì Hội nghị.
TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phát biểu khai mạc Hội nghị
Dự Hội nghị có đại diện các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ; Bộ Nội vụ; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh và một số chuyên gia, nhà khoa học.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) với 6 Chương và 62 Điều; so với Luật Thanh niên 2005 tăng 26 Điều và đã sửa đổi toàn diện Luật hiện hành (sửa 35/36 Điều).
Ngày 15/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Trong hai ngày 15/11/2019 và ngày 21/11/2019 Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết, trong hơn một tháng qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức 03 cuộc họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết luận số 80 của Bộ Chính trị và Hiến pháp 2013; đồng thời, phù hợp với thực tiễn phát triển thanh niên, bảo đảm tính khả thi của các chính sách và phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XIV, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung vào các nội dung cần thảo luận, cụ thể:
Một là, bố cục dự thảo Luât: xin ý kiến đại biểu về việc tách Chương II trong dự thảo Luật thành 02 Chương. Một Chương là quyền và nghĩa vụ của thanh niên, một Chương là chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; đồng thời thiết kế các Mục, Điều trong Chương II cho phù hợp.
Hai là, nội dung các quy định trong dự thảo Luật như: Về độ tuổi thanh niên: nhiều đại biểu cho ý kiến về việc nâng độ tuổi thanh niên. Do đó, có cần thiết phải chỉnh sửa, nâng độ tuổi thanh niên hay giữ nguyên như Luật thanh niên hiện hành là từ đủ 16 tuổi đến 30; Về quản lý nhà nước về thanh niên, các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm phát triển thanh niên và các vấn đề khác có liên quan đến thanh niên; mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên.
Về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, có cần thiết tiếp tục quy định Ủy ban trong dự thảo Luật như mô hình hiện nay hay giao lại cho Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về công tác thanh niên (như Luật Trẻ em).
Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được quy định trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm chính sách gì? Đặc biệt là các chính sách của nhà nước đối với thanh niên với tư cách mà một công dân đã quy định trong các Luật chuyên ngành có cần lặp lại và quy định trong Luật Thanh niên hay chỉ quy định những chính sách đặc thù đối với thanh niên.
Các quy định về tổ chức thanh niên (tổ chức Đoàn Thanh niên, tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên và các tổ chức khác của thanh niên) có cần phải bổ sung chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thanh niên nhằm phát huy vị trí vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên và chính sách của Nhà nước đó với các tổ chức thanh niên. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật; Trách nhiệm của “gia đình, nhà trường, xã hội” nhằm phù hợp với đối tượng thanh niên...
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo trình bày báo cáo dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu phát biểu tại Hội nghị
Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu, cần thiết có Luật Thanh niên thì Luật này phải thể hiện tính chất rất đặc thù của thanh niên. Cần bảo vệ và phát triển tương lai của đất nước và đối tượng phát triển chính là thanh niên. Làm thế nào để phát triển thanh niên, để thanh niên có sự đóng góp xứng đáng cho những chính sách được hưởng của Nhà nước. Luật nên theo hướng như vậy. Thanh niên chính là đối tượng có năng lực phát triển. Thanh niên cần được đào tạo làm những việc bằng trí óc để đất nước ngày càng phát triển. Cần phải xây dựng được chính sách không trùng với Luật Giáo dục đại học. Giáo dục để cá nhân mỗi thanh niên khám phá bản thân và tự đưa ra hướng phát triển riêng cho bản thân. Đất nước muốn phát triển cần sử dụng thanh niên theo đúng thế mạnh của họ., tin tưởng và tạo điều kiện cho thanh niên thử sức để trưởng thành nhanh hơn.Về quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, ông Hoàng Xuân Châu nhấn mạnh, sự đặc thù nhằm phát triển thanh niên, triết lý giáo dục phát triển để nâng cao, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận đối với thanh niên. Ví dụ: Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ đối với các cơ quan có phần trăm thanh niên đi làm cao hơn. Hay là, thanh niên đi vào viện bảo tàng, thư viện cần có chính sách được miễn giảm. Để thanh niên có điều kiện tiếp cận dịch vụ công có tính chất phát triển. Tuy nhiên, chính sách cần phải đi kèm với nguồn lực. Nguồn lực của bất kỳ Nhà nước nào cũng không đủ nên cần huy động nguồn lực của xã hội. Quy định cụ thể trong luật sẽ có tính khả thi cao hơn.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Thái An phát biểu tại Hội nghị
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Thái An cho rằng, công tác thanh niên là công tác liên ngành, vì vậy cần có sự vào cuộc của các cơ quan. Cần có một tổ chức hiểu thanh niên, gần gũi với thanh niên đứng đầu. Về đối thoại với thanh niên, khi thanh niên có nhu cầu thì người đứng đầu phải có trách nhiệm tổ chức đối thoại.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thái An, TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng đây là hoạt động thiết thực nhằm nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để từ đó đề ra những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và cống hiến. Về độ tuổi của thanh niên như hiện nay từ đủ 16 đến 30 tuổi là phù hợp, không nên quy định tăng lên. Đồng thời, quy định chính sách để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho thanh niên có triển vọng, tài năng
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất độ tuổi của thanh niên theo quy định trong Luật Thanh niên năm 2005 và dự thảo Luật sửa đổi hiện nay là không nên thay đổi, tức là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Mục tiêu của Luật sửa đổi vừa quy định những vấn đề có tính nguyên tắc vừa quy định cụ thể, chi tiết; đồng thời, có các biện pháp bảo đảm thi hành và nhấn mạnh dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên – một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc, trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu cũng đồng thời góp ý trực tiếp vào các Điều, Khoản của dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) một cách tốt nhất. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn mong các đại biểu sẽ tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản để Bộ Nội vụ nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Toàn cảnh Hội nghị