Hội nghị quán triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn về chính sách hỗ trợ, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Ngày 04/6, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị quán triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn về chính sách hỗ trợ, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống Dịch tả lợn châu Phi tham dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, chi cục thú y và chăn nuôi, doanh nghiệp một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Từ tháng 8/2018 đến nay, Việt Nam đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trong giai đoạn đầu, dịch bệnh chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dịch bệnh đã phát sinh và lây lan tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Dịch xuất hiện ở cả các trang trại chăn nuôi lớn. Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 03/6, dịch đã xảy ra tại 3.536 xã, 342 huyện của 52 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy là trên 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 nghìn tấn. Ngoài ra, đã có 112 xã thuộc 61 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là trên 26 nghìn con. Thời gian qua, đã có 45 xã thuộc 14 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Tính đến nay, thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra thiệt hại ước tính khoảng 3,6 nghìn tỉ đồng, bao gồm chi phí hỡ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của bệnh DTLCP trên toàn thế giới, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao; Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian qua, ở một số địa phương, việc tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và chính sách hỗ trợ đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Thứ trưởng Tiến cho rằng một số địa phương chưa coi trọng, quan tâm đúng mức, còn lơ là trong công tác phòng chống dịch dẫn đến tình trạng chưa công bố dịch kịp thời, chưa xử lý được xác lợn chết, chưa xử lý môi trường một cách nghiêm túc, thậm chí nhiều địa phương vứt cả xác lợn chết ra sông, suối...

Vì vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để tổ chức triển khai có hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và khống chế bệnh DTLCP và đặc biệt có chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới theo đúng quy định của Luật Thú y, Chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị này để quản triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn về chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP, trong đó tập trung lấy ý kiến của các đại biểu về phương án hỗ trợ phù hợp nhất, kể cả trước mắt và lâu dài cho người nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do lợn chết.

Toàn cảnh hội nghị

 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay, mức hỗ trợ cho lợn chết do DTLCP phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại, lợn nái tối thiểu = 80% giá thị trường và hỗ trợ theo trọng lượng (kg) được thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Ngoài đối tượng là hộ nông dân, cơ sở chăn nuôi thì doanh nghiệp cũng là đối tượng được hưởng cơ chế chính sách này. Trong quá trình triển khai, giá lợn xuống thấp thì phương án hỗ trợ này được nhiều địa phương vận dụng, có tỉnh làm theo hướng đặc thù hỗ trợ theo con. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phương án hỗ trợ này đã phát sinh một số vấn đề như cân lợn, nếu số lượng lợn chết ít, quy mô nhỏ, hình thức hỗ trợ này phù hợp, nhưng nếu quy mô lợn chết lớn như tại các doanh nghiệp thì phương án này lại trở nên không phù hợp. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT có kiến nghị thêm phương thức thứ 2 là hỗ trợ theo nhóm lợn (lợn con cai sữa, lợn thịt, lợn nái…), nếu phù hợp sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp, tối thiểu bằng 30% mức độ hỗ trợ đối với hộ sản xuất tại thời điểm hỗ trợ. 


 

V.A (mard.gov.vn)