Hội thảo về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực

Hội thảo về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực
Chiều ngày 02/7, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực nhằm đánh giá đúng thực trạng về phân cấp, phân quyền, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ và đề xuất nội dung định hướng, các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phân cấp; cùng với đó, lấy ý kiến các đại biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì Hội thảo.
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và các Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiều nội dung liên quan đến phân cấp quản lý nhà nước; các chuyên gia; thành viên Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; lãnh đạo và công chức Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp chính quyền là tất yếu khách quan trong quản trị nhà nước; đặc biệt, Việt Nam là nhà nước duy nhất tổ chức chính quyền theo bốn cấp là cấp Trung ương, cấp Tỉnh, cấp Huyện và cấp Xã thì việc phân cấp, phân quyền càng đòi hỏi cấp bách và cần thiết. Phân quyền để làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, các quy định này đã thể hiện tương đối rõ trong Hiến pháp năm 2013 và các luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ, ngành. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng quốc tế thì việc phân cấp, phân quyền càng được thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Đảng, Chương trình Tổng thể cải cách hành chính Nhà nước các giai đoạn đều có yêu cầu phân cấp, phân quyền làm sao cho phù hợp.

Với mục tiêu, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm quản lý thống nhất, tập trung ở Trung ương; đồng thời, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 30/6/2004, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiêp đó, trên cơ sở tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP, ngày 21/3/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020: quản lý ngân sách nhà nước; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; quản lý đầu tư; quản lý công vụ, công chức, viên chức và quản lý đất đai.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, quá trình phân cấp thực hiện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung thảo luận, tham gia đóng góp nhiều ý kiến làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phân cấp tại các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất các nội dung, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp trong dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Nguyễn Văn Lượng báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Lượng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề xuất nội dung tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. 

Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù và các địa phương tự cân đối ngân sách nhà nước thì các quy định về phân cấp thời gian qua còn tồn tại, hạn chế một số nhóm vấn đề cần được hoàn thiện, cụ thể: 

Phân cấp đồng loạt và đại trà (không phân biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội giữa các địa phương và thực hiện trong một cơ chế, chính sách trong phân cấp).

Phân cấp không đồng bộ (như: phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư cho địa phương nhưng việc phân cấp thẩm quyền quyết định nguồn thu để triển khai thực hiện đầu tư theo quy định của địa phương lại không được điều chỉnh một cách tương ứng, kết quả là thẩm quyền quyết định về đầu tư được mở rộng nhưng không có nguồn lực tài chính để thực hiện). Một số địa phương tự cân đối ngân sách nhưng không được chủ động trong việc điều tiết giữa các cấp ngân sách thuộc phạm vi quản lý đã làm hạn chế việc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế, chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển vùng (một số địa phương được xác định vai trò là hạt nhân của vùng, được ưu tiên hưởng các chính sách đặc thù nhằm tạo động lực phát triển cho vùng nhưng chưa làm tốt vai trò hạt nhân, vẫn còn tình trạng cục bộ và cạnh tranh giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư trong vùng thay vì phối hợp, hợp tác cùng phát triển).

Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, chưa có chế tài về phương diện kỹ thuật, thời gian giám sát; tỷ lệ cán bộ công chức chuyên trách làm công tác giám sát còn hạn chế…. Đặc biệt, phân cấp còn chưa đồng bộ với phân quyền, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức xin ý kiến, chấp thuận, cho phép; các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn. 

Trên cơ sở các nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với các địa phương trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, thực hiện đẩy mạnh phân cấp phù hợp với khả năng tự cân đối về ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương, vùng, miền và đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo gắn với đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo hướng bảo đảm các nguyên tắc: a) Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự quản lý thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm Chính phủ quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cân đối vĩ mô; b) Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, yêu cầu quản lý đối với ngành, lĩnh vực và khả năng tự cân đối ngân sách của từng địa phương theo các nhóm sau: các địa phương tự cân đối ngân sách và các địa phương chưa tự cân đối ngân sách; c) Tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, lãnh thổ; d) Xác định rõ chủ thể phân cấp, nội dung phân cấp, phạm vi phân cấp, đối tượng phân cấp, quyền hạn và trách nhiệm của đối tượng được phân cấp, bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý; đ) Phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp nhận phân cấp và bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát với thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện; e) Tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở dự thảo nghị quyết và trình bày Báo cáo, Bộ Tài chính đề xuất một số nội dung cần bổ sung thêm: thẩm quyền quyết định đầu tư và ngân sách bố trí cho nội dung này; điều hòa giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; phân cấp dựa trên cơ sở các tỉnh tự cân đối được ngân sách và các tỉnh không tự cân đối được ngân sách cần thực hiện như thế nào? việc phân cấp cũng phải căn cứ trên cơ sở giao việc trước rồi mới giao kinh phí chứ không thể giao kinh phí trước rồi mới giao việc sau; khi phân cấp cũng phải căn cứ vào quy mô dân số giữa các tỉnh để tính toán làm sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Về dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều nội dung liên quan đến tài chính ngân sách chủ yếu dựa trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, chưa có đánh giá tác động mà đưa vào Nghị quyết thì rất khó cho việc thực hiện sau này. Vì vậy, nghị quyết chỉ nên đưa vào những quan điểm, định hướng lớn, còn những quan điểm, định hướng cụ thể thì không nên đưa vào...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo
 
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cơ bản cũng nhất trí với nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, trong phụ lục, cần sửa quy định từ Luật Đấu thầu bằng Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng cho phù hợp; về nguyên tắc, ngoài quy định trong Hiến pháp năm 2013, cũng cần phải bổ sung thêm Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Ngân sách, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… cho phù hợp.

PGS. TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS. TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần phân định rõ nội hàm thế nào là phân cấp, thế nào là ủy quyền vì đây là 2 khái niệm khác nhau. Phân cấp giữa Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương với các địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; xác định nội dung quản lý ngành, lĩnh vực bao gồm những nội dung gì? Vì nội dung phân cấp đã được quy định trong Hiến pháp và các luật chuyên ngành; phân định rõ những nội dung nào có thể phân cấp? phân cấp theo ngành gồm những gì, những ngành nào có thể phân cấp được, những ngành nào không thể phân cấp và từng Bộ, ngành phải xác định được nội dung này.

Về tên của Nghị quyết, PGS. TS. Văn Tất Thu đề nghị nghiên cứu, xem xét lại, có thể ghi là đẩy mạnh phân cấp theo ngành, lĩnh vực nhằm giải quyết nguyên tắc quản lý theo ngành, lĩnh vực hiện nay.

Đối với mục tiêu trong dự thảo Nghị quyết, PGS. TS. Văn Tất Thu đề nghị cân nhắc và viết ngắn gọn lại trên cơ sở phân cấp quản lý theo ngành là gì, phân cấp quản lý theo lĩnh vực là gì? Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, PGS. TS. Văn Tất Thu cũng đề xuất, việc phân cấp trong thời gian tới cần gắn liền với quan điểm thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp dịch vụ công, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành…

Còn theo TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội dung phân cấp trong lĩnh vực y tế trong dự thảo Nghị quyết.

Về dự thảo Nghị quyết, TS. Đinh Duy Hòa đưa ra nhận định, nếu chưa có Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nội hàm phân cấp trong dự thảo Nghị quyết được hiểu như vậy là đúng, nhưng thực tế nội dung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được ban hành và đang có hiệu lực, vì vậy, cần nghiên cứu và căn cứ vào quy định của luật để phân cấp, phân quyền, đảm bảo sự thống nhất và Nghị quyết không trái với quy định của luật. Bên cạnh đó, quy định trong Nghị quyết chỉ mang tính nguyên tắc để trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong luật cho phù hợp. 

Mặt khác, TS. Đinh Duy Hòa cũng đề nghị bộ phận soạn thảo nghiên cứu các nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để cụ thể hóa trong Nghị quyết của Chính phủ cho phù hợp. Việc phân cấp theo các địa phương tự cân đối được ngân sách và các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách cũng phải xem xét lại, vì đây là phân cấp giữa các cơ quan nhà nước chứ không phải là phân cấp trong doanh nghiệp, hay các đơn vị sự nghiệp công lập…

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính phát biểu tại Hội thảo

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều thống nhất đề xuất những nội dung phân cấp đã được triển khai trước đó theo các Nghị quyết của Chính phủ và đã có tổng kết, đánh giá là kết quả triển khai tương đối tốt, hiệu quả khi phân cấp cho các địa phương; mặt khác, cũng đã được quy định cụ thể việc phân cấp trong các luật sửa đổi, bổ sung; vì vậy, nhất trí đề xuất với Chính phủ rút bỏ nội dung đó trong dự thảo Nghị quyết lần này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất việc cần có Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP và Nghị quyết số 21/NQ-CP để có đủ cơ sở đề xuất các nội dung, giải pháp trong dự thảo Nghị quyết này.

Đại diện Thanh tra Chính phủ kiến nghị, cần xác định việc phân cấp nhiệm vụ cho Bộ, ngành nào thì giao cho Bộ đó tổng hợp, rà soát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra đối với nội dung phân cấp đó. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu bổ sung việc phân cấp trong lĩnh vực giao thông, vận tải vào trong Nghị quyết. Đại diện Thanh tra Chính phủ cũng đặt vấn đề, lĩnh vực giao thông, vận tải đã phân cấp hết chưa, hay chưa phân cấp hết mà không thấy các Bộ, ngành, địa phương đề cập đến nội dung này…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các đại biểu dự Hội thảo đã làm rõ thêm một số nội dung về phân cấp, phân quyền trong dự thảo Nghị quyết.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp những ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ ban hành. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, Tổ biên tập cần bổ sung vào hồ sơ trình Chính phủ cần có Báo cáo đánh giá tác động khi ban hành Nghị quyết và Báo cáo giải trình với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ việc tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và những nội dung đã được phân cấp theo đề xuất của các Bộ, ngành không tiếp tục phân cấp trong Nghị quyết lần này./.

Toàn cảnh Hội thảo

Anh Cao/https://www.moha.gov.vn