Hội thi ‘Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon’
- Thứ tư - 20/06/2018 09:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là chương trình trong khuôn khổ Lễ hội lúa gạo và triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Long An năm 2018.
Đối tượng tham gia dự thi gồm các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam đáp ứng một trong các tiêu chí như: Có vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói được cấp phép; có sản phẩm gạo an toàn đang lưu thông trên thị trường; được cấp chứng nhận sản phẩm gạo an toàn VietGAP, Global GAP, Organic; có quy trình sản xuất lúa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ban tổ chức sẽ chọn lựa tối đa 20 đơn vị thoả mãn các tiêu chí vào vòng chung kết và trình bày sản phẩm dự thi trước Hội đồng Ban giám khảo là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài việc chấm điểm cách trình bày về thông tin sản phẩm, hướng dẫn sử dụng cũng như sự khác biệt của sản phẩm, Ban giám khảo sẽ đánh giá cảm quan qua việc dùng thử sản phẩm để chọn ra những sản phẩm, những giải pháp ưu việt nhất.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: “Việc tham gia tài trợ cho Lễ hội lúa gạo và triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng ĐBSCL năm 2018 với mong muốn góp phần cùng các cơ quan hữu quan và bà con nông dân ĐBSCL xây dựng và chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững, đồng thời tạo cầu nối để người nông dân được tiếp cận những phương thức canh tác tiên tiến, những quy trình sản xuất sạch, an toàn để qua đó nâng cao giá trị gạo cũng như thu nhập cho người trồng lúa”.
ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản với sản lượng lúa chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa cả nước và hằng năm đóng góp trên 80% sản lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản phẩm gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo nguyên liệu, giá trị thấp. Năng suất, hiệu quả không cao do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất hạn chế; sử dụng thừa giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến giá thành sản xuất cao, lợi nhuận thấp.
Mặt khác, đời sống của người dân ngày càng nâng lên, nhu cầu về gạo chất lượng và nhất là sản phẩm nông sản sạch cũng ngày một tăng cao. Vì vậy, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL phải cải tiến quy trình theo hướng an toàn, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, xây dựng các thương hiệu gạo đủ mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Lễ Hội lúa gạo và triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng ĐBSCL tại tỉnh Long An năm 2018 mở ra một cơ hội tiếp cận các phương thức, quy trình canh tác thông minh nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn. Góp phần nâng cao giá trị thương hiệu lúa, gạo và các sản phẩm ngành nông nghiệp công nghệ cao vùng ĐBSCL.
Đồng thời kích cầu các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Long An; thúc đẩy tăng tiêu dùng lúa, gạo và các nông sản chất lượng cao có thương hiệu như: Gạo nàng thơm chợ Đào, thơm Bến Lức, thanh long, chanh không hạt… đối với thị trường trong nước; là cơ hội để các nhà lãnh đạo, quản lý vùng ĐBSCL cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp thảo luận, thống nhất biện pháp gia tăng giá trị xuất khẩu và từng bước xây dựng sản phẩm quốc gia, thương hiệu quốc gia của ngành lúa gạo, nông sản và thủy hải sản.
Lễ trao giải cho các đội thắng cuộc sẽ diễn ra vào tối 20/6 tại Lễ bế mạc Lễ hội lúa gạo và triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng ĐBSCL năm 2018.
Quang Minh/baochinhphu.vn