Hội "xắn tay" giúp nông dân trồng thanh long xuất khẩu bền vững
- Chủ nhật - 27/10/2019 22:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cùng nông dân làm giàu
Chỉ tay ra cánh đồng thanh long trải khắp các triền đồi xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Thuận cho biết, Thuận Quý là xã đi đầu sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Đây vốn là đất định cư của phần đông ngư dân từ đảo Phú Quý chuyển vào. Người dân cần cù, chịu khó nhưng cuộc sống ngày trước còn nhiều khó khăn. Dấu mốc thay đổi bắt đầu từ những năm 2010, khi nguồn cá tôm dần cạn kiệt, người dân chuyển sang trồng thanh long, rồi giàu lên cùng loại trái cây này.
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định (phải) thăm một mô hình sản xuất thanh long ở Hàm Thuận. Ảnh: N.V
"Bằng mọi phương pháp, nhất là công tác dân vận khéo để tạo được sự đồng thuận của nông dân, giúp nông dân hiểu họ là chủ thể và người hưởng lợi khi tham gia chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao”. Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định |
Ông Hoàng dẫn chúng tôi đi trên con đường trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường, màu xanh ngút ngàn của thanh long. Đường dây điện kéo khắp các ngôi nhà ra tới ruộng. Về đêm, điện thắp sáng rực khắp các ruộng trồng thanh long. “Người dân Thuận Quý sắm xe hơi là chuyện thường. Tất cả bắt nguồn từ sự thay da đổi thịt của một xã nghèo gắn với cây thanh long” - ông Nguyễn Phú Hoàng nói.
Không chỉ ở xã Thuận Quý, thanh long là mặt hàng nông sản lợi thế của khắp vùng Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc cũng như toàn tỉnh Bình Thuận. Việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng tập trung chủ yếu vào cây thanh long. Các cấp Hội ND vì thế cũng đang tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, tỉnh đang triển khai một số mô hình sản xuất ứng công nghệ tiên tiến ở quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp và HTX như trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, giống, công nghệ của Hội ND, hiện đã có nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng chế phẩm sinh học, tưới nhỏ giọt, thay dần giống mới thanh long cho năng suất cao, kháng bệnh.
Hội ND còn phối hợp nhiều doanh nghiệp, công ty phân bón, thuốc BVTV, cơ khí... trong và ngoài tỉnh với phương thức cung ứng vật tư linh hoạt, hỗ trợ lãi suất, bán trả chậm đã giúp nông dân trong tỉnh nhiều cơ hội đầu tư.
Điển hình, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong hơn 10 năm qua đã đồng hành cùng Hội, cùng nông dân trong việc đưa ứng dụng bóng đèn compact kích thích thanh long ra hoa trái vụ thay đèn sợi đốt. Tính đến nay, nông dân toàn tỉnh đã sử dụng gần 9,5 triệu bóng đèn compact, trong đó công ty cung ứng có hỗ trợ giá (3.000 đồng/bóng) cho nông dân hơn 930.000 bóng, giảm cho nông dân 2,79 tỷ đồng, chưa kể tiết kiệm điện do dùng bóng đèn compact lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tháo gỡ khó khăn
Cũng là người trồng thanh long, ông Lê Minh Quang - Chủ tịch Hội ND xã Thuận Quý cho biết, tìm người giàu từ thanh long không khó. Tuy nhiên, nghề trồng thanh long cũng đang gặp nhiều khó khăn. Giá thanh long thường xuyên biến động; sâu bệnh nhiều cũng gia tăng áp lực cho nông dân...
Hiện toàn xã Thuận Quý có 517ha thanh long, đã có 477 tham gia chứng nhận VietGAP. “Việc duy trì con số 92% diện tích thanh long sạch trên địa bàn xã không đơn giản do giá bán thanh long theo GAP và không theo GAP chưa có sự chênh lệch rõ nét, chưa tạo được sự hấp dẫn với người trồng” - ông Lê Minh Quang nói.
Ông Hoàng thừa nhận, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nông dân sản xuất vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. “Tuy nhiên thị trường này không còn dễ tính như trước nữa trong khi mức độ triển khai của các mô hình còn ít vì vốn đầu tư lớn” - ông Hoàng chia sẻ.
Trực tiếp tham quan các mô hình sản xuất thanh long ở Hàm Thuận, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN đánh giá, việc vận động nông dân sản xuất thanh long bền vững tuy khó nhưng là việc cần thiết. Cán bộ Hội ND các cấp, nhất là cán bộ cơ sở phải kiên trì, sáng tạo; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và của Hội cấp trên.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định cũng lưu ý, Hội ND tỉnh Bình Thuận và Hội ND các huyện, xã cần tuyên truyền, vận động nông dân thu gom các bóng đèn hỏng trong quá trình chong đèn cho cây thanh long đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường… Việc nâng cao vai trò của Hội ND cũng cần kết hợp vai trò hết sức quan trọng của Nhà nước hỗ trợ về vốn, chính sách, quản lý điều hành, đặc biệt là vai trò quyết định của doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo: Nguyễn Vỹ/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/hoi-xan-tay-giup-nong-dan-trong-thanh-long-xuat-khau-ben-vung-1026660.html