Hợp lý và dễ áp dụng

Hợp lý và dễ áp dụng
Theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người/năm của xã NTM phải đạt 1,2 - 1,5 lần mức bình quân chung của toàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu cao nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (gấp 1,5 lần) và thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc (gấp 1,2 lần).
Như vậy, thu nhập bình quân theo chuẩn NTM của các xã trên địa bàn Hà Nội phải đạt khoảng 24 - 25 triệu đồng/người/năm. Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP cho rằng, mức thu nhập bình quân trên địa bàn Hà Nội hiện cao hơn so với các tỉnh khác nên tiêu chí về thu nhập đang là bài toán khó, nhất là với các xã thuần nông, nghề phụ chưa phát triển. Hiện chỉ có một vài xã như Thụy Hương (Chương Mỹ), Tây Tựu (Từ Liêm), Yên Sở (Hoài Đức) đạt được thu nhập trên 20 triệu đồng/người/năm, còn lại đa số các xã mức thu nhập bình quân thấp. Khi triển khai NTM ra diện rộng, tất cả các xã đều tích cực phấn đấu đạt mức thu nhập cao. Bởi vậy, để đánh giá thu nhập bình quân của một xã cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh, thành phố rất khó khăn. Trước những vướng mắc từ thực tiễn, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại 5 tiêu chí NTM gồm thu nhập, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, giáo dục và y tế.
Về tiêu chí thu nhập, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi triển khai, Bộ đã đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, giữ nguyên tên tiêu chí và chỉ bổ sung, sửa đổi nội dung tiêu chí theo hướng làm rõ quy định mức thu nhập bình quân đầu người ở xã NTM phải cao hơn 1,2 lần so với bình quân thu nhập khu vực nông thôn của tỉnh (chứ không phải là thu nhập bình quân chung của cả tỉnh). Phương án thứ hai là xây dựng mức thu nhập bình quân cố định đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Ông Lộc phân tích, với phương án thứ nhất, mỗi tỉnh có mức thu nhập bình quân riêng, dẫn đến thu nhập đạt chuẩn NTM của cả nước sẽ có rất nhiều mức khác nhau. Như vậy sẽ khó đánh giá, so sánh thu nhập giữa các xã đạt chuẩn NTM trong một vùng và trên cả nước. Còn phương án thứ hai được tính căn cứ theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo đạt thu nhập của dân cư nông thôn gấp hơn 2,5 lần so với mức 9,1 triệu đồng/người/năm của năm 2008, tức là đạt 22 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, mức thu nhập cố định này cũng được áp dụng theo từng vùng. Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ 24 triệu đồng/năm; Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ 22 triệu đồng/năm; Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên 20 triệu đồng/năm. Theo nhiều địa phương, việc lấy mức thu nhập bình quân chung của cả nước làm mốc đánh giá tiêu chí xã NTM là một hướng đi hợp lý và dễ áp dụng.
 
Hoàng Quyết
Nguồn:ktdt.com.vn