Hợp tác để phát triển bền vững
- Chủ nhật - 27/08/2017 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguồn lực “mềm” to lớn
Năm 2017 đánh dấu 25 năm xây dựng và trưởng thành của các tổ chức xã hội ngoài công lập. Tại hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2017 với chủ đề Hợp tác hướng tới phát triển bền vững do VUSTA tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập các tổ chức xã hội là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý xã hội, đồng thời phát huy được quyền làm chủ của người dân. Mỗi năm có 30 - 40 tổ chức xã hội mới được thành lập, thể hiện độ cấp thiết của các loại hình tổ chức này trong việc xóa bỏ rào cản, lấp đầy khoảng trống trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Những năm gần đây, các dự án, phong trào xã hội được phát động đã huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và báo chí, đã xây dựng được mối quan hệ giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia ủng hộ, phối hợp để cải thiện vấn đề sức khỏe toàn dân, đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác như lao và sốt rét. Kết quả vận động chính sách trong một số lĩnh vực khác như đất đai, khoáng sản, luật trẻ em… đã ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức xã hội, khiến nhu cầu phát triển và độc lập trong tương lai trở nên ngày càng khả thi và thuận lợi hơn.
Kết quả một cuộc khảo sát tiến hành từ tháng 9 - 10.2016 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế và Điện Biên cho thấy, quy mô nguồn lực và hiệu quả thu hút nguồn lực của một số tổ chức xã hội khá khả quan, tạo ra việc làm, giúp an sinh xã hội. Cụ thể, đoàn nghiên cứu khảo sát 35 cơ quan nhà nước và tổ chức có liên quan, trong đó có 16 hội, hiệp hội, 10 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và 4 tổ chức cộng đồng. Theo đó, nguồn lực của các hội dao động 200 - 500 triệu đồng/năm. Các hiệp hội doanh nghiệp thường có quy mô nguồn lực lớn hơn, cá biệt Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có quy mô nguồn lực hơn 7 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ giới hạn từ 1 - 10 tỷ đồng/năm, trừ một số trường hợp lên tới 40 tỷ đồng/năm. Quy mô lao động của các tổ chức xã hội trung bình từ 7 - 15 người.
Theo TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP, Việt Nam mới chỉ đạt được nấc thấp nhất của nhóm nước có mức thu nhập trung bình trong khi dư địa và động lực phát triển đã bị suy giảm nhiều, nhất là các nguồn ngoại lực “cứng” như ODA, tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh này, nội lực “mềm” như nguồn vốn từ các tổ chức xã hội sẽ là tài nguyên dồi dào và nếu biết khai thác tốt, sẽ là nguồn lực to lớn và bền lâu cho sự phát triển đất nước.
Triển lãm bên lề hội thảo | Ảnh: ITN |
10 cơ quan giám sát 1 tổ chức
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), khả năng xây dựng hình ảnh thương hiệu và gây quỹ của các tổ chức xã hội là hai điểm yếu lớn nhất đe dọa tính bền vững của tổ chức. Do vậy, các tổ chức này cũng phải đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động. |
Mặc dù tiềm năng lớn nhưng hoạt động của các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế. TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội vẫn chưa đầy đủ trong khi luật về hội chưa được ban hành. Năng lực của các tổ chức xã hội không đồng đều, phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế. Đặc biệt, sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các tổ chức còn lỏng lẻo. “Do đó, việc thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, liên kết với nhau sẽ giúp các tổ chức xã hội phát triển bền vững”, ông Tân gợi ý.
Nghiên cứu về tình hình huy động nguồn lực tài chính cho các tổ chức xã hội, trong đó có việc tiếp cận viện trợ nhà nước, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho biết, khó khăn lớn nhất là chưa có cơ chế phân bổ, thủ tục tiếp nhận viện trợ còn khó khăn và kéo dài. Vẫn còn rất ít (23%) tổ chức tham gia đấu thầu dịch vụ công, và trong số đó chỉ có 6% tổ chức có được các hợp đồng. Ngoài ra, tài trợ cá nhân trong nước cũng vẫn khó tiếp cận với các tổ chức xã hội. Giám đốc MSD khuyến nghị, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp phép, đặc biệt với việc nhận viện trợ nước ngoài; hướng tới bỏ hẳn thủ tục phê duyệt vì đã có các văn bản luật, chính sách khác quy định hành vi không tuân thủ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng môi trường pháp lý đối với các tổ chức xã hội cần được cải thiện hơn nữa vì hệ thống văn bản hiện nay quá nhiều và không dễ hiểu. Không những thế, một tổ chức xã hội hiện nay đang phải chịu sự giám sát của 10 cơ quan quản lý.
Một khó khăn khách quan khác của các tổ chức xã hội liên quan đến chính sách thuế. Quyền Trưởng ban Ban Tư vấn và phản biện (Vusta) Bùi Kim Tuyến cho biết, chính sách thuế chưa phân định rõ ràng giữa loại hình doanh nghiệp và tổ chức khoa học - công nghệ hoạt động phi lợi nhuận. Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo các chính sách ưu đãi rất phức tạp và khó thực hiện. Bà Tuyến đề xuất cần có chính sách thuế đồng bộ đối với các tổ chức xã hội.
Theo Khải Minh/daibieunhandan.vn