Hợp tác xã Khiết Tâm – mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu ở Cần Thơ

Hợp tác xã Khiết Tâm – mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu ở Cần Thơ
Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới ở 4 huyện của thành phố Cần Thơ, Hội nông dân đang hỗ trợ một số câu lạc bộ, tổ sản xuất, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Trong đó, nổi bật nhất là Hợp tác xã Khiết Tân tại ấp D2, xã Thạnh Lợi, xã nông thôn mới của huyện Vĩnh Thạnh.
Trên cánh đồng mẫu lớn của tổ hợp tác sản xuất lúa giống Khiết Tâm, lúa thơm đặc sản có tên gọi Jasmine 85 lên xanh mướt, nông dân và nhà khoa học đang phối hợp thực hiện một chương trình nghiên cứu giảm thiểu tác hại môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Khải, Cán bộ Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, đang chỉ đạo chương trình nghiên cứu tại đây, cho biết: Ở cánh đồng này, nhiều năm nay đã sản xuất lúa theo qui trình của Chương trình Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và cơ giới hóa, đặc biệt là giải pháp "1 phải 5 giảm" (phải dùng giống lúa được xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón). Nhóm hướng dẫn nông dân làm theo kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (tăng thêm giảm khí thải nhà kính) vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng. Ông Nguyễn Hoàng Khải cho biết: Bà con ở đây thì rất nhiệt tình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học cũng như hỗ trợ cho mình trong công việc nghiên cứu. Đánh giá sơ bộ thì thấy rằng: thứ nhất nó giảm khí phác thải CH4 rất là đáng kết; thứ hai khi mà áp dụng kỹ thuật lập khu xen kẽ này làm cho cây lúa mình cứng cây hơn, nó sẽ giảm đổ ngã cho bà con nhất là trong vụ mưa bão, bên cạnh đó nó còn làm cho việc thu hoạch bằng cơ giới giảm được chi phí cũng như dễ dàng trong thu hoạch.    
 
 
Việc phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp canh tác hiệu quả chỉ là một trong rất nhiều hoạt động liên kết của nông dân tổ hợp tác lúa giống Khiết Tâm. Tổ hợp tác được hình thành từ năm 2009 với 6 hộ dân, sản xuất cánh đồng 1 giống lúa. Đến vụ đông xuân 2011-2012, chương trình xây dựng xã nông thôn mới lấy cơ sở là tổ hợp tác sản xuất Khiết Tâm mở rộng lên 340 ha và hơn 160 hộ dân để hình thành cánh đồng mẫu lớn của ấp D2. Ngay trong vụ đông xuân đầu tiên của cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa, xuống giống đồng loạt và thực hành sản xuất theo quy trình Global Gap, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Gentraco. Anh Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ Trưởng tổ hợp tác Khiết Tâm, cho biết: Khi hình thành tổ hợp tác và cánh đồng mẫu lớn nó hơn ở chỗ mình gieo một loại giống, xuống giống đồng loạt, khi mình thu hoạch thì cũng được các công ty bao tiêu. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật rất là tốt, ở đây cán bộ bảo vệ thực vật, phòng nông nghiệp…. thường xuyên họ xuống với bà con nông dân mình. Trung bình năng suất hàng năm thì vụ đông - xuân là hơn 7,5 tấn, vụ hè – thu và thu – đông thì khoảng 5,5 tấn/ha. 
 
 
Cùng với chương trình xây dựng xã nông thôn mới ở Thạnh Lợi, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Khiết Tâm nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía ngành Nông nghiệp, các cấp chính quyền và Hội nông dân thành phố Cần Thơ như: ưu tiên đưa vào chương trình hưởng lợi từ các dự án phát triển nông nghiệp; giới thiệu, tạo điều kiện để ký kết hợp tác với doanh nghiệp, giải quyết cho các hộ thành viên khó khăn được vay vốn sản xuất từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Cụ thể như Dự án “Cạnh tranh nông nghiệp ACP” đã hỗ trợ cho tổ hợp tác kinh phí xây dựng nhà kho chứa lúa qui mô 1.500 tấn, nhà và máy sấy lúa qui mô 40 tấn, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm… trị giá gần 7 tỷ đồng. Liên tục làm ăn hiệu quả, đến nay, tổ hợp tác đã đủ điều kiện công nhận là hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa giống chất lượng cao và mở rộng ký kết với đối tác phía Bắc.
 
 
Trong chương trình tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội Nông dân thành phố Cần Thơ tổ chức vận động, khuyến khích hộ nông dân liên kết sản xuất để hình thành nhiều mô hình sản xuất kinh tế tập thể. Toàn thành phố hiện có gần 80 hợp tác xã nông nghiệp và gần 1.250 tổ hợp tác hoạt động mùa vụ, 7 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn mới. Chỉ tính riêng xã nông thôn mới Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, có 6 tổ hợp tác sản xuất qui mô từ gần 100 đến gần 350 ha, hoạt động hiệu quả liên tục trong 5 năm nay. Sự thành công của mô hình Hợp tác xã đã giúp đời sống người dân địa phương ngày càng phát triển, cũng như tham gia tích cực vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, vấn đề cạnh tranh về giá cả, chất lượng ngaỳ càng gay gắt đòi hỏi liên kết trong sản xuất là vấn đề hết sức tất yếu đối với bà con nông dân. Hội Nông dân thành phố hiện nay đã chỉ đạo cấp quận, huyện đến cấp cơ sở là mỗi cơ sở hàng năm ít nhất phải thành lập mới từ hai tổ hợp tác sản xuất trở lên. Hàng năm Hội Nông dân cũng kiểm tả để phát hiện kịp thời những tổ hợp tác nào phát triển hiệu quả thì đề nghị theo hướng lên Hợp tác xã – một hình thức sản xuất cao hơn.   
 
 
Thành phố Cần Thơ đang tập trung đánh giá hiện trạng các tổ hợp tác, hợp tác xã và các mô hình liên kết làm cơ sở để tham mưu, đề xuất về cơ chế chính sách cho công tác nhân rộng và phát triển những mô hình kinh tế phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như nâng cao đời sống người dân tại địa phương. Đặc biệt, đảm bảo ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có các mô hình kinh tế hợp tác đạt 100% loại khá trở lên.
Theo Lệ Hoa/vovworld.vn