Hợp tác xã không theo đuổi lợi nhuận

Quốc hội vừa kết thúc phần thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi. Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Ban Soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm rằng, mục tiêu hoạt động của HTX là vì lợi ích của xã viên, chứ không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.
Thưa ông, nhiều người băn khoăn, nếu không đặt mục tiêu lợi nhuận thì thành lập HTX để làm gì?
 
Lợi nhuận là mục tiêu tối thượng, mục tiêu duy nhất và là mục tiêu cuối cùng mà bất cứ loại hình doanh nghiệp nào cũng theo đuổi. Đây là bản chất của doanh nghiệp. Nếu HTX cũng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, thì kinh tế tập thể không còn là kinh tế tập thể nữa. Thay vì theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, HTX theo đuổi mục tiêu lợi ích. Đây là bản chất của kinh tế tập thể, là sự phân biệt giữa kinh tế tập thể với doanh nghiệp. Ban Soạn thảo không sáng tạo ra quan điểm này, mà dựa trên khuyến cáo của Liên minh HTX quốc tế (ICA), nơi đại diện cho trên 800 triệu xã viên của 225 HTX cấp quốc gia tại 96 nước trên thế giới.

Cũng cần nói thêm rằng, mô hình HTX đã ra đời trên thế giới được hơn 200 năm và ngày càng phát triển. Tất cả những nước có nền kinh tế phát triển đều có kinh tế tập thể phát triển dựa trên những nguyên tắc cơ bản về kinh tế tập thể.

Nhưng tham gia HTX mà hàng tháng, hàng quý, hàng năm, xã viên không được chia lợi nhuận thì chắc không nhiều người “mặn mà”?

Báo chí thường xuyên phản ánh tình trạng người nông dân không những phải mua đắt, mà còn mua phải phân bón giả, con giống giả, thuốc bảo vệ thực vật giả… Có tình trạng này là vì người dân đi mua đơn lẻ. Nếu họ hợp tác lại với nhau để thành lập một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân dưới hình thức HTX để cùng nhau đi mua, thì chắc chắn không mua phải vật tư nông nghiệp giả nữa, vì khi đó, việc mua bán được thực hiện theo hợp đồng kinh tế. Không những thế, do mua với khối lượng lớn, mua thường xuyên, nên HTX mua vật tư nông nghiệp hoặc thuê dịch vụ nông nghiệp rẻ hơn so với từng cá nhân đi mua.
HTX mua được vật tư nông nghiệp với giá rẻ, bán cho xã viên của mình với giá rẻ và bảo đảm chất lượng. Đó là lợi ích thiết thực thu hút mọi người tham gia HTX.

Đó là đầu vào, thế còn đầu ra thì sao, thưa ông?
Hàng ngày, có hàng vạn nông dân mang nông sản do mình trực tiếp sản xuất ra đi bán rong, nhưng không phải lúc nào cũng bán được. Những người không mang hàng hoá đi bán rong được thì phải bán cho thương lái và luôn bị ép giá. Tình trạng bán đổ, bán tháo, thậm chí đổ bỏ nông sản tại các cửa khẩu biên giới năm nào cũng diễn ra. Nhưng nếu người nông dân vào HTX, HTX đứng ra thu mua nông sản và chịu trách nhiệm tiêu thụ giúp người dân, thì tình trạng trên chắc chắn sẽ không còn. Không những thế, xã viên còn bán được sản phẩm với giá cao hơn, do được HTX cung cấp cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác…, nên chất lượng sản phẩm cao hơn. Xã viên thu được lợi ích từ việc bán sản phẩm cho HTX, thì chắc chắn họ tham gia tổ chức này.

Ngoài ra, hàng năm, phần thặng dư (thực tế là lợi nhuận) qua việc mua bán, cung cấp dịch sẽ được chia cho xã viên. Như vậy, xã viên vừa được hưởng lợi ích ở đầu vào, hưởng lợi ích ở đầu ra và được chia một phần thặng dư từ việc kinh doanh của HTX, nên họ chắc chắn sẽ tham gia.

Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu quan điểm này được Quốc hội đồng tình thì sẽ có hàng loạt HTX bị giải thể, vì họ hoạt động không vì lợi ích, mà vì lợi nhuận?

Việc thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng, thậm chí dễ hơn so với thành lập HTX, vậy tại sao không hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, mà lại hoạt động dưới mô hình HTX? Phải chăng những tổ chức này đang lợi dụng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Nếu vậy thì không có gì phải băn khoăn khi buộc họ phải giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, nếu không thay đổi bản chất hoạt động đúng với HTX.
Theo Baodautu