Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới

Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới
CTTĐT - Kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, việc chuyển đổi của nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 không những giúp nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã mà còn là "đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới. Tích cực chuyển đổi mô hình
 
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có trên 400 Hợp tác xã (HTX) ; trong đó, có 241 HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (gọi là hợp tác xã kiểu mới), chiếm 60,1% so tổng số. Trong số những HTX đang hoạt động có 174 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX còn lại thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ... Các HTX đã thu hút gần 12,4 nghìn xã viên tham gia với tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các hợp tác xã đạt trên 21,5 nghìn lao động (bao gồm cả xã viên).
Để phát triển các HTX kiểu mới, tỉnh Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo, ban hành chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế hợp tác, HTX theo từng giai đoạn và hàng năm. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX được đổi mới từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và cán bộ quản lý HTX về vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, có những giải pháp chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn một cách thiết thực, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai đã tích cực hỗ trợ các HTX, nhất là HTX nông nghiệp trên địa bàn liên kết lại để cùng hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với những mô hình mới và tháo gỡ những khó khăn về vốn. Nhiều HTX đã kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bố trí người có năng lực và trách nhiệm vào vị trí chủ chốt, từng bước củng cố và đổi mới nội dung hoạt động.”
Sản phẩm OCOP gạo Séng Cù của HTX Tiên Phong Mường Vi
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 01/2014,  HTX Tiên Phong Mường Vi, huyện Bát Xát là một trong số những hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả. Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc HTX Tiên Phong Mường Vi cho biết: “Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 12  thành viên với vốn điều lệ 2 tỷ đồng; sau gần 5 năm hoạt động, đến nay HTX đã có 20 thành viên với tổng vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Các sản phẩm kinh doanh chủ lực của HTX gồm: gạo Séng Cù các loại, sản phẩm chế biến từ thóc Séng Cù, mật ong Hoàng Liên (có 02 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh là gạo Séng cù và gạo lứt Séng cù) với sản lượng tiêu thụ của thị trường 300 tấn/năm; doanh thu bình quân 7,6 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng; thu nhập của các hộ tham gia liên kết đạt 150 triệu đồng/năm. Đến nay, HTX đã tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu ổn định với diện tích trên 65 ha, liên kết ổn định với trên 40 hộ dân và thu mua sản phẩm cho hơn 80 hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; sản phẩm của HTX đã có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn và liên kết với hơn 30 đơn vị, điểm phân phối tiêu thụ hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.” Thành công của sự liên kết hợp tác đối với các hộ dân sản xuất và các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm đã gián tiếp tạo thêm 200 việc làm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, trong đó có hơn 85% là người dân vùng cao, dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, các HTX sau chuyển đổi đã bước đầu xác định được bản chất của HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với cách làm năng động, đổi mới và thích nghi với cơ chế quản lý mới. Một số mô hình HTX đã tiếp cận các nguồn vốn vay của các Quỹ tín dụng nhân dân để tổ chức sản xuất và mở rộng ngành nghề kinh doanh mới. Các HTX này đã tạo ra một khối lượng sản phẩm đáng kể phục vụ đời sống nhân dân, từng bước đã có tích luỹ, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả làm nòng cốt thu hút các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh cho xã viên và cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu có Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền (Bảo Thắng), Hợp tác xã Mai Anh (Sa Pa), Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt về trồng dâu nuôi tằm, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi ở xã Mường Vi…
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Trong hoạt động kinh doanh, các HTX còn thiếu gắn kết với nhau, thiếu sự liên kết hệ thống về kinh tế, xã hội và tổ chức. Theo Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh hợp tác xã tỉnh, “Nguyên nhân chính khiến nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao là do năng lực quản lý, điều hành của ban quản trị HTX còn yếu, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hợp lý và thiếu sức cạnh tranh với các loại hình kinh tế khác”. Rõ ràng hiện nay, nhiều bộ máy quản lý HTX  nông nghiệp chưa đồng bộ, chủ yếu còn kiêm nhiệm nên yếu về năng lực quản lý điều hành, cộng thêm vấn đề về chính sách đãi ngộ hạn chế nên cán bộ kém nhiệt tình trong công tác. Ngoài ra, nguồn vốn hoạt động của các HTX còn thiếu trong khi tài sản ít, không thể thế chấp để vay vốn, dẫn đến tình trạng "lực bất tòng tâm". Một số HTX tồn tại hình thức, hoạt động chưa đúng nguyên tắc và giá trị thật sự của mô hình HTX kiểu mới.
Tạo “đòn bẩy” để xây dựng nông thôn mới
Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ưu tiên các dự án từ các nguồn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh giúp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ một số HTX xây dựng án phát triển sản xuất kinh doanh để tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam; phối hợp với cơ quan xúc tiến của địa phương tư vấn, hướng dẫn các  hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để tìm cơ hội giao thương, giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương. 
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, cần được Nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua việc cụ thể hóa các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác như: cụ thể hoá các chính sách để các HTX dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thủ tục phù hợp và thuận lợi; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cán bộ; nghiên cứu sắp xếp các hợp tác xã nông nghiệp cho phù hợp về quy mô, năng lực tổ chức sản xuất với thực tế ở từng huyện, xã trên địa bàn. 
Thực tế cho thấy, trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, những dịch vụ của HTX đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, vì vậy ban quản trị HTX phải tìm kiếm và ký hợp đồng với các công ty cung ứng vật tư và giống cây trồng có uy tín và cam kết bảo đảm chất lượng cho xã viên, có như vậy, các HTX nông nghiệp làm dịch vụ cung ứng mới thu hút và tạo niềm tin để xã viên yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, các HTX cũng cần phát huy lợi thế ở một số huyện như Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương là những nơi có điều kiện tập trung trồng các loại rau an toàn, hoa quả tươi cung ứng cho thị trường; đồng thời phát huy các nghề thủ công sẵn có của địa phương và học hỏi thêm các nghề mới để chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp dạy nghề, cung ứng dịch vụ, tạo thêm việc làm mới cho xã viên, giải quyết được việc làm thường xuyên cho lao động lúc thời vụ cũng như lúc nông nhàn. 
Ông Phan Quốc Ân, chủ nhiệm HTX Quý Hiền cho biết: “Nếu chỉ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đủ hàng hoá để điều tiết bình ổn thị trường, không kiểm soát được dịch bệnh… chắc chắn nông dân luôn gặp cảnh được mùa mất giá, được giá không có sản phẩm để bán”. Nhận thức rằng chỉ có HTX kiểu mới có điều kiện để giao dịch với cơ sở sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y tin cậy; chỉ có HTX mới đủ mạnh để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến; sử dụng đồng vốn có hiệu quả... Năm 2019 là năm “ngành chăn nuôi gặp đại hoạ” vì dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên với 04 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng, hiện HTX đang chăn nuôi khoảng trên 6.500 con lợn thương phẩm, trong năm 2019 HTX đã xuất bán trên 10.000 con với trọng lượng khoảng gần 1.000 tấn.
Như vậy, những băn khoăn, trăn trở của ban quản trị HTX đã được tìm ra, đó là con giống, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao; là phương thức hợp tác kinh doanh, dịch vụ, liên kết chặt chẽ bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) một cách bền vững; tập cho các thành viên HTX làm quen tác phong sản xuất công nghiệp, tiếp cận với các thành tựu khoa học tiên tiến trong chăn nuôi để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân gắn bó với địa phương, đi lên làm giàu từ chính sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới ở quê hương mình./.
Theo Hồng Minh/Lacai.gov.vn