Hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ: Lợi ích kinh tế là chất kết dính

Thực tế đang đòi hỏi các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phải phát triển theo mô hình mới, tham gia thị trường, giành lợi ích từ thị trường để hỗ trợ kinh tế hộ xã viên.
Xã viên được hưởng lợi trực tiếp từ mua bán với HTX
Với vai trò làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất  nông nghiệp, HTX phải bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả dịch vụ tốt nhất, có sức cạnh tranh với thị trường.
Thực tế, một số HTX đã giảm giá vật tư, dịch vụ, tăng giá mua sản phẩm của nông dân 7 - 10% so với thị trường. Tỷ lệ này có thể tăng thêm khi HTX nông nghiệp được miễn, giảm toàn bộ thuế phát sinh từ các dịch vụ mua bán với xã viên - nông dân, HTX chủ động giảm lợi nhuận tập trung. Thực chất là chuyển lợi nhuận của HTX vào xã viên, từ đó nông dân tự nguyện tham gia HTX. Đây là biện pháp kinh tế quan trọng nhất cần áp dụng, cần tham khảo kinh nghiệm của HTX nông nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹø, nơi có tỷ lệ 80 - 100% nông dân là xã viên.
Về định hướng lợi nhuận của HTX nông nghiệp, lợi nhuận tập trung của HTX bằng lợi nhuận từ phục vụ xã viên cộng với lợi nhuận kinh doanh trên thị trường. HTX lấy lợi nhuận trên thị trường để hỗ trợ xã viên. Xã viên làm nên HTX, là đối tượng phục vụ của HTX. Vì vậy, HTX phải phục vụ trực tiếp xã viên qua mua bán, hỗ trợ kỹ thuật, giáo dục cộng đồng.
Nhiệm vụ đặt ra đối với HTX nông nghiệp là xây dựng các phương án tổ chức mua bán theo nguyên tắc mua rẻ của thị trường, giảm chi phí giao dịch, giảm lãi trên đơn vị sản phẩm do HTX kinh doanh để bán rẻ cho xã viên. Sử dụng lợi thế xã viên là người tiêu thụ ổn định để đàm phán với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, dành lợi ích cho xã viên. Có thể đấu thầu để chọn nhà cung cấp tốt nhất. Mặt khác, HTX tổ chức các đại lý bán lẻ tư liệu sản xuất, hàng hoá tiêu dùng, đến các cụm dân cư theo hướng văn minh thương mại.
Những lợi ích kinh tế là chất kết dính gắn bó, liên kết bền vững về mặt xã hội mà ta gọi là kinh tế hợp tác. Sẽ không còn hợp tác nếu hợp tác không có lợi. Hợp tác về kinh tế làm cơ sở phát triển cộng đồng mà mô hình HTX mới dân chủ hoá đời sống kinh tế trong cơ chế thị trường.
Hợp tác xã phát triển cộng đồng
Xã viên HTX là cá nhân, hộ gia đình (một người đại diện cho cả nhà), pháp nhân (một người đại diện cho nhiều người) tạo thành các “nhóm đồng sở thích” bươn trải trong dòng chảy của kinh tế thị trường, bảo tồn các kết cấu lợi ích tất yếu, tránhnnhững  mặt trái của kinh tế thị trường, phát triển cộng đồng song hành về kinh tế và xã hội.
Khía cạnh kinh tế là tạo ra những lợi ích mà xã viên làm nhiều, góp nhiều, mua bán nhiều với HTX thì được hưởng nhiều lợi ích từ HTX. Một pháp nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng tiêu dùng có một lực lượng xã viên tiêu dùng ổn định, hoặc cung cấp ổn định nguyên liệu, bán thành phẩm đầu vào; một cá nhân có chỗ dựa là HTX về kinh tế - xã hội trong lúc khó khăn, ổn định việc làm, thu nhập; một hộ gia đình kinh doanh được cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra với chi phí sản xuất cạnh tranh; quỹ của HTX hỗ trợ xã viên sản xuất, kinh doanh, tăng phúc lợi, chia sẻ rủi ro… là những nội dung của phát triển cộng đồng, nâng cao thực tế giá trị tinh thần HTX, không phải là những giá trị của ý tưởng ảo vọng, khẩu hiệu cải lương, hành động nửa vời của những nhà xã hội không tưởng, các kinh tế gia của nền kinh tế chỉ huy duy ý chí đã để lại bài học thất bại.
HTX là cộng đồng có tổ chức, chứng minh khả năng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn, nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức quốc tế mang đến thông qua các chương trình, dự án phát triển cộng đồng.

Gần đây, người ta đã nhầm lẫn khi lựa chọn cộng đồng với tên gọi số đông hoặc giao cho tổ chức mà người đứng đầu có quyền lực hơn để triển khai dự án, đã biến hóa về giá trị và hiện vật để lại những hậu quả. Vì vậy, cần áp dụng quy chế, theo đó, các dự án cộng đồng có thể đấu thầu chủ đầu tư, tham gia đấu thầu là đoàn thể, HTX hay DN trên địa bàn có quy mô tương đương và tương thích với tính chất dự án.
Theo Baodautu.vn