Hưng Yên phân bổ hơn 100 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 28/01/2018 10:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2018 tỉnh phân bổ nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 107 tỷ đồng, nhằm giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí theo tiến độ đề ra; trong đó, vốn đầu tư phát triển 80 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp.
Nguồn vốn phân bổ được sử dụng để hỗ trợ các xã đầu tư xây dựng; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn, bảo đảm an ninh nông thôn...
Năm nay, tỉnh Hưng Yên có 34 xã và 2 huyện đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới tập trung ở các địa phương gồm: huyện Văn Giang có 1 xã, huyện Văn Lâm 3 xã, huyện Yên Mỹ 5 xã, huyện Khoái Châu 6 xã, huyện Ân Thi 3 xã, huyện Kim Động 4 xã, huyện Phù Cừ 5 xã, huyện Tiên Lữ 5 xã, thành phố Hưng Yên 2 xã.
Các xã đăng ký đều đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên, có đủ điều kiện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Riêng 2 huyện Văn Lâm và Văn Giang đăng ký phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Hưng Yên đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Hiện các địa phương này đạt bình quân gần 18 tiêu chí/xã.
Theo ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên: đến nay toàn tỉnh có 87/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng Mỹ Hào là huyện đầu tiên của tỉnh đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo nhằm xây dựng nông thôn mới theo hướng thiết thực, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 của tỉnh phấn đấu có trên 80% số xã đạt chuẩn, bình quân mỗi xã đạt 18 tiêu chí trở lên.
Không dừng lại ở việc hoàn thành 19 tiêu chí, các xã hoàn thành vẫn phải tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí đã đạt được; tiếp tục tổ chức lại sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác.
Đồng thời, thường xuyên chấn chỉnh, hoàn thiện các tiêu chí về nếp sống văn minh, xây dựng văn hóa làng xã để nông thôn mới mang đúng ý nghĩa./.
THeo TTXVN