Hưng Yên tích cực xây dựng nông thôn mới

Hưng Yên tích cực xây dựng nông thôn mới
Sau hơn hai năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Năm 2013, Hưng Yên phấn đấu hoàn thành xây dựng 20 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

 Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

heo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, ngay từ khi bước vào thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực, chung sức huy động mọi nguồn lực, tạo nên một khí thế mới thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tỉnh và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã có những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, cách làm phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận tích cực tham gia phong trào được tổ chức thường xuyên theo cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều địa phương đã hưởng ứng phát động phong trào và tổ chức các hoạt động vận động nhân dân hiến đất, chỉnh trang nông thôn, xây dựng văn hóa nông thôn mới,… Các hội, đoàn thể của Hưng Yên cũng đẩy mạnh các biện pháp để giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm (2011-2012), các hội, đoàn thể đã tổ chức được 815 lớp tuyên truyền cho hơn 64.659 lượt hội viên tham dự, vận động hiến hơn 53.522 m2 đất và đóng góp hơn 8.731 ngày công để làm đường giao thông và các công trình công cộng. Đồng thời, các cấp hội, đoàn thể cũng tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền thông qua các hội nghị cấp xã, các buổi họp thôn, tổ chức các đợt hội diễn, các đợt tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở những nơi khác để người dân có thêm điều kiện tìm hiểu rõ hơn về chương trình.
 

 

 

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Đ.H)

 

Để các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác đào tạo, tập huấn được Hưng Yên triển khai rộng khắp. Toàn tỉnh đã tổ chức được 43 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 3.700 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến xã, thôn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề như: chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; cơ chế huy động nguồn lực và quản lý tài chính, thực hiện chương trình cấp xã, thôn,… Năm 2013, với nguồn kinh phí 950 triệu đồng, Ban chỉ đạo đang tích cực triển khai công tác tập huấn trong xây dựng nông thôn mới, quản lý và huy động nguồn lực, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài chương trình tập huấn của tỉnh, nhiều huyện, thành phố và xã đã trích ngân sách cấp mình để tập huấn về công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cho gần 3.000 lượt cán bộ xã, thôn. Hầu hết các huyện đã tổ chức cho Ban chỉ đạo huyện và xã đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh điển hình về xây dựng nông thôn mới.

 

Kết quả bước đầu
Nhìn chung, trong công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2012, các xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch. Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã phân bổ hơn 24,5 tỷ đồng; năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ cho các xã hơn 10 tỷ đồng để các xã thực hiện công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6/2013, 100% các địa phương trong toàn tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành công tác này. Nhờ thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới, nên tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong 2 năm 2011-2012 đã đạt hơn 17.726 tỷ đồng. Tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án với mức kinh phí hơn 77 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêm phòng và mua thuốc khử độc tiêu trùng, hỗ trợ giống lúa lai,… Ngoài ra, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cũng thực hiện cho vay trả chậm và cho vay không lãi với nguồn vốn hơn 39 tỷ đồng, giúp hơn 8.764 hộ dân phát triển kinh tế. Nhiều hội, đoàn thể khác trong tỉnh cũng nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 1.765 tỷ đồng cho 77.309 hội viên vay ưu đãi phát triển sản xuất, 600 tỷ đồng cho vay ưu đãi tạo việc làm; tổ chức dạy nghề cho hơn 14.273 lao động với 54 ngành nghề được đào tạo; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 116,15 nghìn người, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 8,42% (theo chuẩn mới)…
 

Kết cấu hạ tầng nông thôn ở Hưng Yên cũng được đầu tư, cải tạo và làm mới, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, sau hơn 2 năm (2011-2012), tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 168,5 tỷ đồng, đã hoàn thành được hơn 146,628 km đường giao thông xã, thôn và xây dựng mới 5 cầu. Đến nay, 100% các tuyến đường cấp huyện đã được cứng hoá, tuyến xã đạt tỷ lệ 88%, và tuyến thôn đạt 87,1%. Hệ thống thuỷ lợi nội đồng khá hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới. Đã có thêm 7 trạm bơm được xây dựng mới, đưa tổng số trạm bơm lên 420, bảo đảm tưới chủ động được 88% diện tích đất canh tác; tiêu chủ động được trên 80% diện tích đất tự nhiên. Nhiều công trình điện, cơ sở y tế, văn hóa và an sinh xã hội cũng được nâng cấp và xây dựng mới, góp phần quan trọng phục vụ dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống của nông dân.

Với mục tiêu năm 2013 phấn đấu hoàn thành 20 xã điểm đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 6 tháng qua, Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể, như đẩy mạnh công tác tập huấn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều huyện đã có những giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tiêu biểu, như huyện Văn Giang. 6 tháng đầu năm, huyện đã đầu tư hơn 15,5 tỷ đồng làm các công trình như vườn hoa, xây bãi xử lý rác thải, làm đường giao thông, hệ thống thoát nước; huyện Tiên Lữ đầu tư 60 tỷ đồng tập trung làm đường giao thông, đầu tư hỗ trợ trường học; huyện Ân Thi huy động được khoảng 56 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng… Hoạt động vận động nhân dân hiến đất và ngày công cho các công trình công cộng của các địa phương đạt kết quả khá tích cực, như huyện Tiên Lữ đã vận động người dân hiến 1.200 m2 đất thổ cư và ủng hộ 1.300 ngày công lao động.
 

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

 

Kết quả bước đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên cho thấy các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được đông đảo người dân đón nhận tích cực, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp và bước đầu đã tạo được phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên cũng còn những hạn chế, cần sớm được khắc phục. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, vẫn còn một số nơi cán bộ thiếu quyết liệt, chưa hiểu sâu sắc nội dung, công việc cần làm. Một số cán bộ còn chủ quan, việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, chế độ báo cáo thực hiện chưa thực sự nghiêm túc. Công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới còn nặng về nội dung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhẹ về nội dung phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường,…dẫn đến một bộ phận cán bộ, người dân hiểu lệch, coi xây dựng nông thôn mới chỉ là đầu tư xây dựng các công trình, coi chương trình như dự án đầu tư.

Thời gian tổ chức tập huấn thường ngắn, đội ngũ giảng viên thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, truyền đạt, nội dung giảng dạy còn nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật thực tế và yêu cầu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở nên hiệu quả chưa cao. Đánh giá thực trạng đối với 19 tiêu chí quốc gia ở hầu hết các xã đều không đánh giá sát thực tế, thậm chí đánh giá hạ thấp hơn thực tế, nên ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương ở một số mặt còn chưa chặt chẽ; một số sở ngành còn thiếu chủ động trong công tác tham mưu các cơ chế, chính sách, chưa ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn theo sự phân công của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo,…
 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, sớm khắc phục được những hạn chế, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, cần địa phương cần có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế hỗ trợ và quản lý đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn mới. Chỉ đạo và hướng dẫn triển khai dồn điền đổi thửa; chỉ đạo việc kiểm tra chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tăng cường giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đưa kết quả xây dựng nông thôn mới là một tiêu chí để xét thi đua của tập thể, cá nhân hàng năm. Tăng cường công tác tuyên truyền theo hướng chuyên đề một cách hiệu quả. Giao chỉ tiêu kế hoạch hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho từng xã theo hướng mỗi năm phải hoàn thành từ 2-3 tiêu chí. Với các xã điểm phải xây dựng kế hoạch cơ bản hoàn thành tất cả các tiêu chí vào năm 2013. Tập trung vận động, hướng dẫn hộ dân tự cải tạo, sửa sang nhà cửa, công trình vệ sinh, cải tạo ao vườn,… để có cảnh quang đẹp. Xây dựng quy ước, hương ước làng xã về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng văn hóa gia đình, dòng họ, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài; bảo đảm trật tự an toàn xã hội…

 

Đặng Hiếu
Nguồn dangcongsan.vn